Chuyện cô giáo Hường
Đăng ngày: 11/1/12"Mô hình thuần dưỡng kỳ nhông rừng sinh sản của em thành công như ngày hôm nay là nhờ NHCSXH hỗ trợ vốn để trồng rừng, xây dựng chuồng trại..."

Từ gieo chữ cho trẻ vùng núi...
Năm 2003, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế với tấm bằng loại ưu chuyên ngành sinh học. Nguyễn Thị Thu Hường đã nhanh chóng có ngay một chỗ dạy học tại quê nhà là Trường cấp III Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Vậy mà, nỗi lòng đau đáu muốn truyền cái chữ cho đám học trò nghèo huyện miền núi Nam Đông vẫn không sao nguôi ngoai trong cô. Và Hường đã quyết định từ bỏ ngôi trường nơi phố thị quê nhà để lên với các em học sinh nghèo miền núi trước sự ái ngại của không ít người.
Khi còn là một sinh viên ngành sinh học của Đại học Sư phạm Huế, trong những lần về huyện miền núi Nam Đông để đi thực tế, cô đã hứa vui lòng mình sau này khi ra trường, sẽ quay trở lại đúng núi này công tác. Hường tâm sự: "Việc em quyết định về lại để dạy học đã gây bất ngờ đối với người thân và bạn bè. Nhưng sự quyết tâm của em dần dần đã thuyết phục được gia đình".
Trở thành giáo viên ở miền sơn cước, hàng ngày tiếp xúc với phụ huynh của đám học trò nghèo. Hường đã sớm thấu hiểu được cuộc sống mưu sinh của bà con nơi đây. Phần lớn các em bỏ học là do hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế. Vì vậy, ngoài việc đem sự nhiệt huyết của mình vào các bài giảng ở lớp, Hường phải lặn lội đến từng nhà học sinh để vận động thuyết phục bố mẹ tạo điều kiện cho con em đến trường. Tuy nhiên, trong số phụ huynh người DTTS Cơ Tu mà Hường được tiếp xúc cũng có một số gia đình ăn nên làm ra nhờ việc săn bắt và đem bán những con kỳ nhông - một loài vật sinh trưởng và phát triển tại rừng núi huyện Nam Đông với giá bán ra thị trường từ 150 nghìn - 200 nghìn đồng/kg thịt.
Vài suy nghĩ, giá như gia đình nào cũng có kỳ nhông để bán thì kinh tế sẽ khá hơn và con cái họ sẽ không phải bỏ học. Từ những kiến thức được học qua sách vở đã lóe lên trong đầu Hường ý tưởng thuần dưỡng kỳ nhông rừng. Bắt loài vật này sinh sản như những con vật khác mà loài người đã thuần dưỡng...
... đến nuôi kỳ nhông để thoát nghèo
Kỳ nhông thường ra bờ suối ngủ vào ban đêm. Vì vậy, để có kỳ nhông giống, hàng đêm, Hường buộc phải lặn lội theo người dân địa phương vào rừng sâu tìm bắt loài vật này. Một tháng, hai tháng mày mò thử nghiệm, rồi đến tận những ngày nghỉ hè, Hường trở lại Trường Đại học Sư phạm Huế và một số thư viện để tìm tòi sách vở, tài liệu tham khảo về quy trình sinh trưởng, phát triển và sinh sản của loài vật này.
Hường giãi bày: Khi em trình bày ý định thuần dưỡng kỳ nhông rừng nhiều người cho là dở hơi vì từ xưa đến nay đã có ai nuôi được loài vật này. Em quyết định vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để mua lưới sắt, thuê một mảnh đất khoảng 300m2 làm chuồng, trồng cây nuôi kỳ nhông rừng. Và kết quả đã mỉm cười với cô giáo trẻ miền xuôi: Từ 6 con kỳ nhông giống (4 con cái 2 con đực) kết quả của những chuyến thức đêm đi theo bà con bắt tại rừng Nam Đông, sau 2 năm nuôi thử nghiệm những con kỳ nhông mẹ đã sinh sản được 15 con kỳ nhông con...
Tiếng lành đồn xa, một số gia đình trong bản đã tìm đến cô giáo Hường học hỏi cách nuôi kỳ nhông sinh sản. Chị Nguyễn Thị Thành, có con gái đang học lớp cô giáo Hường chủ nhiệm, tâm sự: Cô giáo Hường không chỉ truyền cái chữ cho bọn trẻ mà hơn hết cô còn bày cho người dân địa phương mô hình thuần dưỡng, chăn nuôi kỳ nhông rừng, phát triển kinh tế, XĐGN. Hiện thị trấn Khe Tre có 20 hộ gia đình đang nuôi kỳ nhông theo cách thức của cô gíao Hường... Chỉ cần vay ngân hàng 3 triệu đồng, nuôi kỳ nhông sinh sản cũng cho thu nhập ngót nghét 2 triệu đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi: Trong tương lai Hường có tiếp tục nghiên cứu sâu về mô hình nuôi kỳ nhông? Hường thật thà: "Để cùng bà con huyện miền núi Nam Đông vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi kỳ nhông, thời gian tới em sẽ theo học Cao học tại Trường Đại học Sư phạm Huế và mô hình nuôi kỳ nhông sẽ là một phần quan trọng trong Luận án bảo vệ cao học của em".
Lê Diệu Linh - Hoàng Anh