Chương trình cho vay thương nhân tại vùng khó khăn trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới
Đăng ngày: 9/2/12Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có một vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giữ vững ổn định chính trị - an ninh - quốc phòng.

Tại địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Quảng Trị, chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp và các thương nhân, làm cho hoạt động SXKD, dịch vụ thương mại có những bước phát triển vượt bậc, giúp người dân trao đổi và tiêu thụ hàng hóa do mình sản xuất ra. Ưu điểm của chương trình này là mức cho vay lớn, thời hạn dài, dễ tiếp cận với vốn vay, thủ tục đơn giản. Theo đó, mức cho vay tối đa đối với các thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ kế toán và nộp thuế khoán là 30 triệu đồng, thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ kế toán và kê khai nộp thuế là 100 triệu đồng, thương nhân là tổ chức kinh tế thành lập hợp pháp được vay tối đa 500 triệu đồng. Nguồn vốn này đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn rất lớn của thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt là ở khu thương mại Lao Bảo thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Mặc dù nguồn vốn được giao có hạn, nhưng hai năm qua NHCSXH huyện đã cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh thương mại hoạt động tại vùng khó khăn vay hơn 3,9 tỷ đồng. Nhờ vậy, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn, thị trấn Lao Bảo phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đến nay, đã có 618 hộ kinh doanh hàng hóa tại khu thương mại, 50 Công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân... Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương hoạt động có hiệu quả, trả nợ và lãi đầy đủ đúng hạn. Điển hình như doanh nghiệp Hùng Tiến. Đây là doanh nghiệp thương mại tổng hợp, mặt hàng kinh doanh chủ yếu là mì tôm, xà phòng, dầu ăn, bánh kẹo và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân. Địa bàn phục vụ chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa. Trước đây người dân các xã Hướng Việt, Hướng Lập muốn mua được dầu ăn, xà phòng, đèn điện chiếu sáng, quần áo... phải vượt qua chặng đường gần 100km ra đến thị trấn Khe Sanh mới mua được. Nay có xe ô tô chở hàng của doanh nghiệp Hùng Tiến phục vụ tận nơi nên rất thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi. Anh Hồ Yên chủ doanh nghiệp Hùng Tiến cho biết: "Từ khi được NHCSXH giải ngân nguồn vốn từ chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, tôi có vốn để mua thêm nhiều hàng hóa, phục vụ cho việc trao đổi, buôn bán thu mua các sản phẩm nông sản do bà con làm ra".
Cũng là một huyện miền núi như Hướng Hóa, ở Đakrông nguồn vốn từ chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn thúc đẩy quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa nhà tạm cho nhân dân. Đakrông là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, tuy nhiên do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thực hiện không đúng tiến độ đề ra. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp và thương nhân ở Đakrông có dự định đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng để phục vụ bà con nhưng tất cả đều có chung một nỗi niềm đó là "thiếu vốn". Biết được nguyện vọng của bà con nhân dân và các thương nhân, NHCSXH huyện Đakrông đã cho một số Công ty tư nhân ở hai xã Tà Rụt và Mò Ó vay số tiền 300 triệu đồng. Hiện nay, các doanh nghiệp này đang làm ăn có hiệu quả và còn giúp đỡ một số hộ nghèo mua chịu nguyên, vật liệu để xây dựng nhà ở kiên cố, mua trả chậm các thiết bị xây dựng công trình NS&VSMTNT. Đầu xuân này, đời sống người dân và bộ mặt làng quê ở hai xã này đã có nhiều thay đổi, số hộ nghèo đã giảm hẳn, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đã mọc lên nhiều hơn và trên hết là bà con được tiếp cận với nhiều hàng hóa, dịch vụ giúp thay đổi nhận thức và nâng cao đời sống, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng của tỉnh Quảng Trị.
Tại hai xã vùng biển bãi ngang của huyện Hải Lăng là Hải An và Hải Khê. Do đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên việc sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, các ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống chưa phát triển. Từ khi có nguồn vốn, NHCSXH huyện cho 17 hộ vay với số tiền 490 triệu đồng, với số vốn này một số hộ đầu tư kinh doanh tổng hợp, kinh doanh thực phẩm phục vụ dân sinh. Một số khác kinh doanh các mặt hàng nông, hải sản ở địa phương như lúa gạo đỏ, nước mắm, cá khô đem đi tiêu thụ nơi khác và mua hàng hóa khác về phục vụ bà con. Nhờ thế đã cải thiện đời sống nhân dân ở hai xã vùng ven biển bãi ngang này.
Những kết quả bước đầu là rất đáng ghi nhận. Hoạt động SXKD của các tổ chức kinh tế và thương nhân đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, tạo cơ sở cho việc xây dựng phong trào tam nông.
Tuy vậy, so với thực tế nguồn vốn của NHCSXH còn có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người vay. Một số mô hình kinh doanh của thương nhân còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, đóng góp của họ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét. Sự phát triển giữa các vùng miền chưa đồng đều. Một số xã ở vùng sâu, vùng xa của các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị là phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 15% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 con số này là 50%. Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì có hai tiêu chí khó khăn nhất là vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi lao động trong nông nghiệp. Theo đó, tỷ lệ người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống dưới 35%. Để đạt được mục tiêu này vấn đề tạo nguồn vốn và quản lý nguồn vốn cho vay cần được quan tâm hơn nữa.
NHCSXH tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực cố gắng để triển khai chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn trong năm 2012 đạt kết quả tốt hơn nhằm khuyến khích phát triển thương mại đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Võ Thị Bình