Chủ tịch hội không vay vốn ưu đãi
Đăng ngày: 8/11/12Ông Đinh Đức Bân năm nay 60 tuổi, đã có thâm niên 12 năm làm Chủ tịch Hội ND xã. Xã Nam Phong thuộc huyện Cao Phong (Hòa Bình) là xã có 3/10 xóm thuộc chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 29%.

Xã Nam Phong có 908 hộ, 85% dân tộc Mường. Lâu nay bà con sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm truyền nhau. "Tôi đã làm ở HTX nông nghiệp, lại là người dân tộc Mường, muốn chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con phải đi theo phương pháp - nói theo các cụ là "trăm nghe không bằng mắt thấy". Nghĩa là, cán bộ phải đi trước, làm trước, tận mắt thấy kết quả bà con mới làm theo".
Nói sao làm vậy, qua những đợt được huyện tổ chức cho đi tham quan các mô hình sản xuất giỏi, thấy đồng đất Nam Phong thích hợp với cây mía, chăn nuôi đại gia súc. Về nhà, ông quyết định đầu tư vào cây mía kết hợp chăn nuôi bò. Với diện tích 4,7ha trang trại ở vùng đồi, ông trồng mía trắng; 0,3ha đất ruộng trước đây cấy lúa chuyển sang trồng mía tím. Ngoài ra, ông còn nuôi 40 con bò. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật được Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện hướng dẫn, tận dụng được nguồn phân chuồng từ chăn nuôi, nên mía của ông rất tốt, hiệu quả kinh tế cao, đạt doanh thu trên dưới 500 triệu đồng/năm. Giải quyết việc làm thời vụ cho trên 100 lao động nông thôn, với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2011 đến nay, do đồng cỏ bị thu hẹp, mất điều kiện chăn thả, ông Bân không nuôi bò nữa.
Chủ tịch UBND xã Nam Phong, Đinh Duy Thích cho biết: xã có 3 xóm đặc biệt khó khăn thì cả 3 xóm theo gương Chủ tịch Hội ND trồng mía nhiều nhất xã. Riêng xóm của ông Bân có 56 hộ thì tất cả các hộ đều trồng mía, nhiều hộ có thu nhập cao. Đa phần các ruộng mía ở Nam Phong thương lái từ Hà Nội, Hòa Bình... đến đặt mua trước mùa thu hoạch 1 tháng. Riêng cây mía tím cho lợi nhuận không ngờ, giá bán tại ruộng 5.000 đồng/cây. Chỉ với diện tích khoảng 3.000m2, người trồng mía đã cầm chắc lãi 15 triệu đồng/năm. Nhờ đầu ra thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao, huyện Cao Phong đang hình thành vùng mía chuyên canh. Nếu như năm 2005, toàn huyện chỉ có 1.414ha mía, đến năm 2012 tăng lên trên 2.500ha. Cây mía ở Cao Phong đang góp phần xóa nghèo, cải thiện đáng kể đời sống nông dân.
Không chỉ góp phần mở đường đưa cây mía về Nam Phong, ông Bân còn tìm cách liên kết với các doanh nghiệp bán phân bón theo phương thức trả chậm cho nông dân. Hàng năm, hội mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên. Trước đây, bà con nuôi lợn 6 tháng mới xuất chuồng được một lứa. Có kiến thức, nuôi 3 tháng là xuất chuồng, theo đó thu nhập của các hộ cũng tăng gấp đôi.
Gặp ông Bân trong ngày giao dịch ở xã Nam Phong, chúng tôi được biết ông là Chủ tịch Hội ND xã mấy năm nay không vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Hỏi lý do, ông trả lời rất đơn giản: "Mình hết nghèo rồi, vốn là của bà con. Mình làm phục vụ bà con. Cần vay lớn đã có NHNo&PTNT". Theo ông Bân, Nam Phong hiện có 240ha mía, trong đó có 120ha mía tím. Toàn xã dư nợ của NHNo&PTNT 12 tỷ đồng; NHCSXH 6 tỷ đồng. Nam Phong có các tổ chức hội nhận ủy thác vốn vay, có 3 Tổ TK&VV, dư nợ 2 tỷ 150 triệu đồng. Hội viên nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư cho cây mía, cây lúa, năm rồi mua thêm 30 con trâu, bò. Ông Bùi Văn Ninh, 51 tuổi, vay 6 triệu đồng, trồng hơn 1ha mía (trong đó: hơn 3.000m2 đất ruộng trồng mía tím), nuôi 2 con trâu, 3 con lợn thịt, thu nhập trên dưới 70 triệu đồng/năm. Hết nghèo, ông trả hết nợ ngân hàng.
Với nội dung hoạt động thiết thực, có ông Chủ tịch hội đầy nhiệt tình và trách nhiệm, là tấm gương phát triển kinh tế... thu hút ngày càng nhiều nông dân tự nguyện vào hội. Năm 2001, cả xã Nam Phong chỉ có 260 hội viên nông dân, năm 2012 con số này tăng lên trên 750 người, trong đó có 591 hội viên là đồng bào dân tộc Mường. Kinh tế phát triển, hội viên ngày càng đông, niềm vui được nhân đôi từ ông Chủ tịch Hội ND xã Nam Phong.