Chủ động khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp
Đăng ngày: 8/4/13Thống đốc yêu cầu: Ngân hàng không thể xóa nợ, nhưng bằng các quy định hiện hành có thể khoanh nợ cho người chăn nuôi trong 3-5 năm không lấy lãi hoặc chỉ thu lãi 1-2% cho có trách nhiệm.
“Nông dân chỗ tôi nói nếu ông đi gặp Thống đốc NHNN mà không giải quyết được vấn đề vốn cho chúng tôi, ông chủ tịch đừng có về nữa”, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai mở đầu bài kiến nghị của mình như vậy tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn tổ chức tại Đồng Nai ngày 26/3.
Theo ông, hiện người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang lỗ lớn. Nuôi bằng vốn của mình đã lỗ rồi, chứ chưa nói đến vay vốn ngân hàng. Bởi vậy đề nghị Nhà nước cho khoanh, giãn nợ để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Đồng Nai hiện được xem là thủ phủ của ngành chăn nuôi Việt Nam. Nhưng theo báo cáo của địa phương, tỷ trọng nông nghiệp hiện chỉ còn 6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Khó khăn không chỉ với người nông dân mà với cả nhiều DN chế biến nông sản; trong đó thiếu vốn đang là vấn đề nan giải.Chẳng hạn ngành điều của địa phương có sản lượng đứng thứ hai cả nước, nhưng do khó khăn về vốn và chi phí sản xuất tăng cao, nên thời gian qua đã có nhiều DN điều lớn trở thành nhà thu mua gia công sơ chế cho các tập đoàn nước ngoài có vốn đầu tư tại Đồng Nai.
Tình trạng này xuất phát từ việc DN đánh mất niềm tin với ngân hàng. Sở dĩ như vậy cũng do thời gian qua có những DN sử dụng kho hàng mang đi cầm cố tại 3-4 TCTD. Thậm chí có DN đã thế chấp kho điều, tiêu, cà phê nhưng lại bán hết từ lúc nào, đến khi ngân hàng sờ đến tài sản thế chấp thì kho trống trơn hàng hóa. Chưa kể việc cho vay thế chấp bằng hàng hóa rủi ro rất lớn do giá cả biến động bất thường khiến các ngân hàng cũng ngần ngại.
Để tháo gỡ khó khăn này, “Giám đốc NHNN tại các địa phương phải là người trung gian, đứng ra bàn bạc với NHTM để quản lý kho hàng là tài sản thế chấp”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giao nhiệm vụ. Ông nói, do giá cả thế giới cũng không rớt quá 30%, nên tỷ lệ thế chấp trên giá trị tài sản đảm bảo bằng kho hàng nên ở mức khoảng 70%. Hạt điều có phần xuất khẩu thì nên ưu đãi lãi vay nhập khẩu nguyên liệu và lãi vay thu mua hạt điều trong nước hiện nay thì cũng nằm trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lãi suất từ 11%/năm trở xuống.
Hạt điều nếu chỉ thu mua nguyên liệu trong nước thì không quá khó khăn, nhưng các DN lại nhập khẩu nguyên phụ liệu về tồn kho không sản xuất xuất khẩu đi được càng khó khăn. Điều này đến nay diễn ra ở hầu hết các sản phẩm nông sản, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tính toán được khả năng cung ứng với nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Từ chỗ không dự báo tốt, Thống đốc NHNN nói, ngày nay phi nông bất ổn ở chỗ bất ổn vĩ mô, do trong rổ tính giá cả CPI nhóm hàng lương thực - thực phẩm luôn chiếm 40%. Tập trung giải quyết những vấn đề cho DN chính là giải quyết vấn đề của ngân hàng, cũng như đảm bảo chỉ số giá.
“Ngân hàng không thể xóa nợ, nhưng bằng các quy định hiện hành các ngân hàng có thể khoanh nợ cho người chăn nuôi trong 3-5 năm không lấy lãi hoặc chỉ thu lãi 1-2% cho có trách nhiệm. Phần này không phải tính vào nợ xấu và không phải trích lập dự phòng rủi ro”, Thống đốc yêu cầu.
Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng bày tỏ ủng hộ tín dụng ưu đãi thu mua các sản phẩm nông sản, lãi suất bao nhiêu, phần còn lại Nhà nước cấp bù.
Theo Đ.Hải
Thời báo ngân hàng
Từ Khóa: PT, LS, Ngân Hàng, Đồng Nai, Tập Đoàn, TCTD, Tài Sản,