Châu Âu “châm ngòi” tranh chấp với Trung Quốc
Đăng ngày: 06/07/2010 Gần đây, EU ra thông cáo quyết định điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng Modem mạng vô tuyến diện rộng (tên viết tắt “WWAN”), và điều tra biện pháp bảo hộ cùng sản phẩm này đối với nhiều nước khác. Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất bị tiến hành điều tra đồng thời hai hạng mục.
Tổng giá trị hàng hóa điều tra lên đến 4,1 tỷ đô la Mỹ
Trên trang web chính thức của EU, sản phẩm bị điều tra được mô tả là Modem mạng vô tuyến diện rộng, mã hải quan EU: 8471800 và 85176200. Phía khởi kiện là công ty Option của Bỉ, trong đơn khởi kiện, công ty này nêu rõ, Option là doanh nghiệp duy nhất của châu Âu sản xuất sản phẩm bị điều tra nói trên.
Lãnh đạo Cục phòng vệ cạnh tranh, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, đây là lần đầu tiên EU tiến hành điều tra đồng thời chống bán phá giá và điều tra biện pháp bảo hộ trên cùng một sản phẩm của Trung Quốc, vụ điều tra này liên đới đến hơn 1000 doanh nghiệp Trung Quốc, tổng giá trị hàng hóa điều tra ước khoảng 4,1 tỷ đô la Mỹ.
“Đây là vụ án điều tra chống phá giá lớn nhất của EU đối với hàng hóa Trung Quốc tính đến nay. Tổng giá trị hàng hóa của tất cả các vụ kiện chống trợ cấp đối với các sản phẩm của Trung Quốc năm 2009 mới là 12,6 tỷ đô la Mỹ. Vậy mà chỉ riêng vụ điều tra này đã hơn 4 tỷ đô la, một con số vô cùng lớn” – Giáo sư Đồ Tân Tuyền – giảng viên Đại học kinh tế thương mại đối ngoại Trung Quốc phát biểu. “Theo hiểu biết của tôi, Trung Quốc chưa từng gặp phải vụ điều tra đồng thời như thế này. Điều đó cũng có nghĩa “một kiểu thiệt hại, hai mức bồi thường”, cũng tức là những tính toán về mức tổn hại sẽ trùng lặp và chúng ta sẽ bị xử phạt gấp đôi.”
Giáo sư Đồ Tân Tuyền nói thêm, các biện pháp bảo hộ chỉ áp dụng trong trường hợp số lượng hàng xuất khẩu của nước đối phương tăng quá nhanh, không liên quan đến vấn đề cạnh tranh bất công bằng trong các vụ kiện chống bán phá giá. Việc thực thi các biện pháp bảo hộ đòi hỏi hai bên phải đạt được thỏa thuận về bồi thường, rất khó thực hiện, nên thương mại quốc tế ít sử dụng. Nhưng EU đã áp dụng các biện pháp bảo hộ đối với nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, và tiến hành điều tra chống bán phá giá với cùng sản phẩm của Trung Quốc, điều này cho thấy “hiệu quả thị phạm” từ các cuộc điều tra đồng thời diễn ra liên tiếp của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trước đó đã phát huy tác dụng.
Trừng phạt bất công bằng
Giáo sư Chu Kỳ, Đại học bưu điện Bắc Kinh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp các thiết bị chủ yếu cho các công ty điện tín Âu-Mỹ. Nhất là sau khi ký kết hợp đồng kinh doanh mạng 4G với các nước Bắc Âu, địa vị dẫn đầu về công nghệ kỹ thuật trên thị trường Bắc Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc càng được củng cố thêm. Nhưng điều đó đã gây sức ép lên các doanh nghiệp Âu-Mỹ, khiến không gian tồn tại của những doanh nghiệp này bị thu hẹp, và tất yếu gây nên sự bất mãn với đối thủ cạnh tranh.
“Thực ra, cái gọi là “chống phá giá” trong khái niệm của các nước Âu-Mỹ chỉ là cái cớ, mục đích chính của họ là muốn bảo hộ địa vị độc tôn về công nghệ cho các doanh nghiệp của họ” – Ông Khâu Hạo - Cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng nghiên cứu thông tin công ty thiết bị thông tin Trung Hưng ZTE phát biểu. Trình độ khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp Trung Quốc mấy năm gần đây phát triển rất nhanh, vượt xa so với các doanh nghiệp Âu- Mỹ. Số liệu điều tra của Infonetics cho thấy, năm 2009, công ty kỹ thuật Huawei (Thâm Quyến)- Trung Quốc chiếm 22.1% thị phần toàn cầu, vượt qua cả Nokia và Siemen, vươn lên hàng thứ 2 thế giới. Công ty thiết bị thông tin Trung Hưng ZTE của nước này chiếm 12.6% thị phần toàn cầu, vượt qua Alcatel-Lucent của Mỹ, vươn lên xếp thứ 4 thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc không ngừng tấn công khai thác thị trường Âu-Mỹ khiến các doanh nghiệp khu vực này “nóng mắt”, bởi vậy mới liên tiếp “phát lệnh trừng phạt” như vậy.
Cùng với tiến trình phát triển mạng 4G, ưu thế về công nghệ LTE của các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng rõ rệt, thực tế này không khỏi khiến các doanh nghiệp Âu-Mỹ lo lắng.
Lãnh đạo Cục phòng vệ cạnh tranh, bộ thương mại Trung Quốc cho biết, Modem mạng vô tuyến diện rộng thuộc dòng sản phẩm công nghệ cao, giúp thúc đẩy sự phát triển công nghệ và tạo nên thị trường mới, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. EU tiến hành điều tra đồng thời trên cùng một sản phẩm là hành vi điển hình của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, lạm dụng các biện pháp cứu trợ thương mại để can thiệp và gây rối loạn hoạt động thương mại vốn đang diễn ra ổn định. Hành động này không những sẽ cản trở tiến trình phục hồi kinh tế của châu Âu mà còn gây tổn hại đến lợi ích thương mại của Trung Quốc, càng gây bất lợi cho sự phát triển của khoa học, kỹ thuật.
Các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan phân tích rằng, vụ điều tra đồng thời này tưởng như là một vụ đơn lẻ, nhưng xem xét kỹ sẽ thấy trước đó, Ấn Độ và các quốc gia Âu Mỹ đã nhiều lần phát động “trừng phạt” đối với thiết bị điện tín của Trung Quốc. Điều đó khiến người ta không khỏi tin rằng, mục đích của các doanh nghiệp Âu-Mỹ xuất phát từ lợi ích của chính mình, nhằm bảo hộ chính mình, đồng thời phát một tín hiệu cảnh cáo đối với thực lực công nghệ ngày càng phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thực ra, không riêng gì các thiết bị điện tử, rất nhiều sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao của Trung Quốc đã phải chịu điều tra biện pháp bảo hộ mang nặng tính kỳ thị tương tự. Có điều, vụ điều tra đồng thời này của EU diễn ra trực tiếp, công khai và gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả.
Doanh nghiệp Trung Quốc cùng đối phó
Ngày 1 tháng 7, lãnh đạo Cục phòng vệ cạnh tranh, bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến điều tra của EU dựa trên các quy tắc WTO đặt ra và bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo.”
Cùng ngày, Hiệp hội xuất nhập khẩu cơ điện Trung Quốc ra thông báo khẩn cấp, triệu tập hội nghị toàn quốc các doanh nghiệp liên quan nhằm ứng phó với vụ điều tra của EU. Thông báo nêu rõ : “EU tiến hành điều tra đồng thời chống bán phá giá và điều tra biện pháp bảo hộ, vì vậy trong quỹ thời gian hết sức hạn hẹp, số lượng công việc của các doanh nghiệp sẽ nhiều gấp bội. Hội nghị lần này vô cùng quan trọng, đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp cử cán bộ phụ trách tham gia hội nghị.”
Ngày 21 tháng 6, Hiệp hội xuất nhập khẩu cơ điện Trung Quốc đã gửi thông báo cảnh báo đến các doanh nghiệp liên quan. Sau khi án điều tra được thành lập, thì trong vòng 15 ngày, các doanh nghiệp liên quan phải liên hệ với cơ quan điều tra để lấy phiếu câu hỏi điều tra, và sau 37 ngày kể từ ngày lập án, phải điền đầy đủ thông tin vào bộ câu hỏi điều tra và giao cho cơ quan điều tra. Còn về vụ điều tra biện pháp bảo hộ, trong vòng 10 ngày kể từ ngày lập án, các doanh nghiệp hữu quan phải liên hệ với cơ quan điều tra, và trong vòng 21 ngày phải giao nộp đáp án bộ câu hỏi điều tra cho cơ quan điều tra.
Nếu trong thời gian quy định, các doanh nghiệp hữu quan không giao nộp phiếu điều tra sẽ bị xem như không hợp tác với cơ quan điều tra, đồng thời phải chịu mức thuế chống phá giá cao nhất, và chắc chắn xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị giáng một đòn chí mạng. Trong tình huống cấp bách, cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp bảo hộ tạm thời, trực tiếp nâng mức thuế đối với sản phẩm bị điều tra, điều đó có nghĩa là, trong khoảng thời gian ngắn, sản phẩm bị điều tra khó có thể thâm nhập thị trường EU.
Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, bộ thương mại Trung Quốc kêu gọi, chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, hiệp hội đứng ra tổ chức, doanh nghiệp phối hợp hợp tác, khẩn trương, tích cực đối phó với án điều tra của EU.
Nam Anh(Theo Xinhuanet.com)