Chất lượng thủy sản xuất khẩu: Con sâu làm rầu nồi canh
Đăng ngày: 05/23/2014Việc nuôi trồng thủy sản một cách tự phát của người dân có liên quan đến tình trạng sử dụng kháng sinh, hóa chất thiếu kiểm soát, khiến tình trạng nhiễm dư lượng những chất cấm xảy ra. Trong khi kiến thức sử dụng hóa chất, kháng sinh không được người nuôi cập nhật kịp thời.
Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bốn tháng đầu năm 2014, hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam là châu Âu (EU) và Nhật Bản đã cảnh báo đến 11 lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, cùng lý do có dư lượng thuốc kháng sinh vượt mức cho phép. Rất nhiều DN lớn có uy tín trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu bị đưa vào danh sách này. Nhưng, nhiều phân tích cho thấy, có DN bị oan.
Nhiều DN thủy sản Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP
Ông Thái Hoàng Hùng, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) cho biết, các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện có quy mô lớn, quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến hiện đại theo chuỗi khép kín từ ao nuôi đến thành phẩm xuất khẩu. Hầu hết các DN xuất khẩu đều có bộ phận kỹ thuật, kiểm tra chặt chẽ từ xử lý vệ sinh ao nuôi, đến quá trình sử dụng kháng sinh phòng chống dịch bệnh, thu hoạch sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch…
Các DN này đều có bạn hàng nhập khẩu lâu dài, thị trường ổn định, vì thế việc đảm bảo yêu cầu chất lượng và các quy định về dư lượng hóa chất là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, một phần sản lượng của DN lại đến từ bao tiêu sản phẩm của hộ nông dân. Đây chính là phần DN không kiểm soát được trong toàn bộ quá trình nuôi trồng.
Về vấn đề này, TS. Lý Thị Thanh Loan, chuyên gia Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II nhận định, việc nuôi trồng thủy sản một cách tự phát của người dân có liên quan đến tình trạng sử dụng kháng sinh, hóa chất thiếu kiểm soát, khiến tình trạng nhiễm dư lượng những chất cấm xảy ra. Trong khi mức độ nuôi thâm canh thủy sản ngày càng cao, dịch bệnh phát sinh, nhưng kiến thức sử dụng hóa chất, kháng sinh trên không được người nuôi cập nhật kịp thời.
Ngay ở các vụ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng Oxytetracycline, thực tế đây là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, nhưng phải theo tỷ lệ quy định của từng thị trường nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Thái Hoàng Hùng cho hay, tại nhiều hộ nuôi trồng tư nhân, người dân vẫn mang tâm lý sợ ngưng thuốc kháng sinh trước thu hoạch quá lâu (từ 5-15 ngày) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, họ vẫn dùng kháng sinh đến cận ngày thu hoạch (3-5 ngày). Việc này dẫn đến trong sản phẩm xuất khẩu vẫn tồn dư lượng chất kháng sinh.
Về phía DN, khi vào mùa thu mua rộ, sản lượng có thể đến 5-10 tấn/hộ/ngày, nhiều khi khó có thể kiểm tra toàn bộ lượng lớn nguyên liệu đầu vào. Trên thực tế, qua kiểm tra cho thấy, sản phẩm bị phát hiện tồn dư chất kháng sinh vượt chuẩn cho phép thường rơi vào lỗi người nuôi thủy sản không tuân thủ nghiêm ngặt thời gian ngừng sử dụng thuốc trước thi thu hoạch.
Để hạn chế thủy sản kém chất lượng hình thành trong khâu sản xuất của người dân, Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Nam bộ thực hiện kiểm tra, kiểm soát từng tháng tại tất cả các tỉnh, thành phố trọng điểm nuôi trồng. Khu vực nào bị nghi ngờ đều được lấy mẫu xét nghiệm hóa lý và thông báo đến người nuôi để cảnh báo. Qua đó, giúp hạn chế sản phẩm có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép để các DN thu mua có thể chọn lựa được nguồn nguyên liệu sạch, đạt chuẩn làm hàng xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định, ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam luôn duy trì đổi mới công nghệ, cải thiện để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Việt Nam và thị trường thế giới về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như các trách nhiệm đối với môi trường.
Hiện nay, tiêu chuẩn VietGAP đang được áp dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản. Các yêu cầu và tiêu chí của VietGAP khá tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng như GlobalGAP, ASC, BAP…
Vì vậy, Hiệp hội kỳ vọng DN và người nuôi trồng thủy sản liên kết chặt chẽ, phối hợp với nhau để tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản xuất khẩu.
Theo thoibaonganhang.vn