‘Chắc chắn lãi suất cho vay USD sẽ tăng cao’
Đăng ngày: 18/10/11Trước hết là phải lành mạnh tài chính hệ thống NH, ngăn chặn nợ xấu, không để đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Đợi thời điểm thích hợp để thực hiện đóng cửa, sáp nhập ngân hàng.
Đó là nhận định của Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo do Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia tổ chức sáng ngày 18/10. Chúng tôi xin được trích đăng tới độc giả.
Xin ông cho biết nhận định của ông về biến động của tỷ giá trong thời gian qua?
Trong những ngày qua NHNN đã có những điều chỉnh tăng tỷ giá chính thức. Những ngày đầu khi tỷ giá chính thức tăng thì tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng tăng theo, và tỷ giá “tự do” cũng sốt lên. Tuy nhiên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và hiện giờ là diễn biến trái chiều. Tỷ giá chính thức tăng nhưng tỷ giá tự do đã giảm so với đỉnh.
Như vậy có thể nhận thấy sự phản ứng của dân chúng đối với việc điều chỉnh tỷ giá không còn đơn giản. Người dân không còn cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN là chuẩn bị cho việc điều chỉnh mạnh tỷ giá. Như vậy nguời nào thực sự có nhu cầu hãy giao dịch chứ không có ý định găm ngoại tệ chờ tỷ giá lên. Đó là biểu hiện tốt của thị trường.
Thứ hai, tân Thống đốc có thể thực hiện đúng ý đồ là nếu có điều chỉnh tỷ giá thì cũng không quá 1%, như vậy chắc chắn sẽ có sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá giao dịch liên ngân hàng, tỷ giá “tự do”. Mức chênh lệch này theo tôi sẽ giãn ra nhưng không nhiều.
Lý do là lãi suất đồng Việt Nam vẫn cao hơn lãi suất USD, đó là cái neo không cho tỷ giá lên quá cao.Tình hình này sẽ còn tiếp diễn đến hết năm, thậm chí là đến tết. Do vậy nếu quản lý vĩ mô khéo có thể tỷ giá vào thời điểm tết thậm chí còn ổn định hơn.
Theo đánh giá cá nhân tôi cho rằng tỷ giá tự do có thể lên 22.000 đồng/USD chứ không hơn được. Sau đó nếu cung ngoại tệ tốt hơn thì có thể khác đi. Nguồn cung tăng thì tôi nghĩ khó, nhưng chắc chắn lãi suất USD sẽ tăng.
Lãi suất USD tăng vì nhiều lý do. Trước hết là luồng vốn vào các nền kinh tế mới nổi giảm, và những nước có kinh tế bất ổn như Việt Nam thì sẽ càng suy giảm. Thứ 2, bản thân các quốc gia phát triển cũng đang gặp khó khăn thanh khoản nên buộc phải rút về để đảm bảo thanh khoản. Bằng chứng là vừa qua các quốc gia phát triển đã phải sang các nước mới nổi vay tiền.
Chưa kể khủng hoảng nợ công xấu hơn thì các ngân hàng có thể chỉ đòi được 50-70% vốn cho các nước vỡ nợ vay thì vốn ngoại tệ càng khó khăn hơn. Như thế lãi suất ngoại tệ cho dù Việt Nam có thay đổi chính sách thế nào cũng sẽ tăng lên.
Chưa kể hiện nay chúng ta đang cho vay vượt xa số huy động được, chứng tỏ là đang có nhiều khoản cho vay là vốn ủy thác khi đến hạn sẽ bị thu hồi. Và muốn vay tiếp chắc chắn sẽ phải lãi suất cao hơn.
Vì thế tôi cho rằng áp lực tỷ giá là luôn có nhưng không lớn như mọi người nghĩ, không quá gay gắt như thời kỳ trước tháng 2. NHNN cũng sẽ không có chỉnh quá 1% và sẽ giữ ổn định ở mức đó, chênh lệch trong ngoài sẽ tăng lên nhưng không quá lớn
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất VN vẫn cao nhưng theo ADB thấp do lạm phát chúng ta ở mức cao. Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này?
Có 2 nghịch lý đang diễn ra, nếu nhìn về 1 năm trước thì chúng ta đang huy động với lãi suất âm do lạm phát so với cùng kỳ hiện đã 23%, nhưng khi nói đến lãi suất cho thời kỳ tới thì khác.
Theo tôi tiêu chí lãi suất thực dương nên tôn trọng. Nhưng rõ ràng theo dự báo Chính phủ thì năm sau lạm phát chỉ 1 con số, các dự báo kém lạc quan hơn đều cho rằng lạm phát khoảng 10-12%.
Đánh giá cá nhân tôi thì từ giờ đến cuối năm lạm phát 1%/tháng có nghĩa là lãi suất huy động hơn 1%/tháng là thực dương.
Như vậy huy động 14%/năm, cho vay khoảng 17%/năm thì các NHTM tốt, DN tốt mà vẫn chống được lạm phát
Vì sao có ít người vay được lãi suất 17%/năm? Lý do thứ nhất là huy động là 18-19%/năm thì khó có thể cho vay 17%/năm, một vài trường hợp vay 19% là kèm theo điều kiện khác.
Tuy nhiên thời gian qua thì lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Lý do cho biến động này do NHNN không cho huy động 14%/năm với không kỳ hạn, buộc các NH phải vay liên ngân hàng . Các ngân hàng có dư vốn, nhưng room tín dụng gần hết giờ có chỗ buôn vốn với rủi ro thấp, lãi suất cao hơn thì tận dụng cơ hội. Dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng cao.
Vậy ông có khuyến nghị nào cho vấn đề này?
Tôi đã có khuyến nghị từ lâu là tăng DTBB lên khoảng 10%, hiện nay là 3-5%, tức là NHNN có trong tay 250 ngàn tỷ có thể điều tiết cho cả hệ thống. Còn với tỷ lệ 3-5% thì các ngân hàng đều phải tìm cách tự bảo vệ. Các ngân hàng lớn cũng phải lo giữ vốn, nếu không bị các NHTM nhỏ hút vốn. Cuối cùng ngân hàng không cần vẫn phải giữ nhiều vốn, ngân hàng rất cần thì phải đi huy động bằng mọi giá.
Nhiều người cho rằng tăng DTBB thì làm các NHTM khó khăn hơn, vì vậy để không làm tăng chi phí vốn cho các NHTM thì NHNN có thể trả lãi cho khoản DTBB. Không có luật nào cấm việc trả lãi cho khoản DTBB.
Vì thế NHNN có thể trả lãi 12-13%/năm cho DTBB vì bản thân các NHTM vẫn mua TPCP làm giấy tờ có giá với lãi suất 12%/năm
Từ đó thì chi phí vốn không tăng đối với NHTM thừa vốn, còn với NHTM thiếu vốn thì NHNN có thể cho vay tái cấp vốn với lãi suất 15%/năm. NHTM nào không vay được ở thị trường dưới 15%/năm thì NHNN đảm bảo cho vay với lãi suất đó.
Tuy nhiên khi đã vay NHMM tái cấp vốn thì NHTM phải chịu sự giám sát của NHNN, đó là trách nhiệm của NHNN đối với NHTM có khó khăn về thanh khoản.
Nếu các ngân hàng không có giấy tờ có giá để vay thì có thể cho thế chấp bằng Vốn điều lệ. Khi đã thế chấp bằng VĐL thì không NHTM nào dám bùng của NHNN. Có thể sau 2 kỳ mà NHTM không trả được nợ thì chuyển VĐL đó thành cổ phần của NN tại NHTM.
Quá khứ vào năm 2007 khi vốn vào nhiều, chúng ta đã nâng DTBB lên 10%, sau đó sang năm 2008 thậm chí lên 11% và còn hút về 23 ngàn tỷ tín phiếu bắt buộc.
Ngay như tại Trung Quốc lạm phát chỉ 6% nhưng DTBB cũng là trên 20%.
Theo ông đây có phải là cơ hội để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Bây giờ cơ hội ko chỉ tái cơ cấu hệ thóng NH, mà cả nền kinh tế. Chúng ta cần hiểu việc tái cơ cấu không thể trong thời gian ngắn, và tái cơ cấu hệ thống NH là nhạy cảm
Trước hết là phải lành mạnh tài chính hệ thống NH, ngăn chặn nợ xấu, không để đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Nhất là trong thời điểm hiện nay, quyết không để đổ vỡ bất kể ngân hàng nào. Hãy đợi thời điểm thích hợp, vì đây là việc làm vì lợi ích chung chứ không phải là tư lợi với ngân hàng nào.
Tùy từng ngân hàng mà có sự tái cơ cấu khác nhau, có NH phải thay đổi tăng cường quản trị nội bộ. Chúng ta không thể quản trị như hiện nay là huy động được 1 tỷ sẽ được bao nhiêu tiền thưởng, rồi lãi suất cho vay thì móc ngoặcvới nhân viên tín dụng....Làm lành mạnh hệ thống chống lại được rủi ro đạo đức, từ đó tăng chất lượng tín dụng.
Phải nói là tỷ lệ nợ xấu cao hơn con số chính thức, đấy là chưa kể những rủi ro đạo đức đang vỡ ra rất nhiều và thậm chí là chưa vỡ ra hết. Do đó nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ phải trả giá đắt hơn
Lúc tôi mới nhận chức có 53 ngân hàng nhưng khi thôi chỉ còn 36 ngân hàng. Khi đó Bộ chính trị yêu cầu phải có xử lý, nhưng giảm thiểu tổn thất và đảm bảo không có đổ vỡ nào ngoài tầm kiểm soát. Có nhiều cách làm để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu.
Cao Sơn – Khánh Linh
Từ Khóa: Lãi Suất, Thống Đốc, Nhu Cầu, Giao Dịch, Thị Trường, Điều Chỉnh, Giao Dịch,