Cần thay đổi để phát triển thị trường chứng khoán
Đăng ngày: 11/06/2010Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập với thị trường chứng khoán quốc tế. Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, có chất lượng, tạo sự công bằng cho giữa các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động nguồn vốn dài hạn chủ yếu cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh cần có những thay đổi quan điểm. Sự “ lo ngại” thái quá về những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán là không cần thiết. Ông Nguyễn Hồng Hải- Nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank đưa ra một số điểm cần phải thay đổi như sau:
Thứ nhất, cho phép công ty chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng bằng tiền cho nhà đầu tư vay vốn để kinh doanh chứng khoán với tài sản đảm bảo chính là chứng khoán mà nhà đầu tư đã mua:
Theo quy định hiện nay thì chỉ có ngân hàng mới có chức năng cấp tín dụng cho nhà đầu tư. Công ty chứng khoán với vai trò là đơn vị quản lý khách hàng trực tiếp thì việc không cho phép công ty chứng khoán cấp tín dụng bằng tiền cho nhà đầu tư để kinh doanh chứng khoán sẽ làm cho công tác quản lý khách hàng thêm khó khăn và phức tạp, kém linh hoạt và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Nhiều công ty chứng khoán đã “ lách luật “ bằng các hợp đồng hợp tác mà lẽ ra việc này cần được hợp thức hóa và có quy chế quản lý minh bạch, công khai. Nếu công ty chứng khoán dùng vốn tự có của mình hoặc vốn do các tổ chức và cá nhân khác ủy quyền cho Công ty chứng khoán để cho nhà đầu tư vay tiền kinh doanh chứng khoán thì điều này hoàn toàn hợp lý, chúng ta chỉ có thể cấm công ty chứng khoán không được thực hiện nghiệp vụ huy động vốn để cho vay.
Thứ hai, cho phép mua và bán cùng một loại chứng khoán trong cùng một ngày:
Với quy định khi nhà đầu tư mua chứng khoán trên thị trường niêm yết thì sau khoảng thời gian T+4 cổ phiếu mới về tài khoản, lúc đó nhà đầu tư mới được phép bán cổ phiếu. Quy định này không giúp cho các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư dài hạn hơn trên thị trường chứng khoán và cũng không có tác dụng chống hoạt động “ làm giá “ trên thị trường chứng khoán. Vì với thời gian là T+0 hoặc T+4 thì cũng không hơn kém nhau nhiều về mặt thời gian nắm giữ cổ phiếu, với một nhà đầu tư dài hạn thì họ phải nắm giữ cổ phiếu từ vài tháng tới vài năm trở lên.
Do vậy, việc hạn chế nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu trong cùng một ngày không có lợi cho sự phát triển thị trường khi mà hiện tượng các công ty chứng khoán “ lách luật” ưu đãi cho khách hàng VIP tạo sự mất bình đẳng giữa các khách hàng và nó cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc sửa chữa những “ sai lầm” khi họ vừa ra quyết định đầu tư. Về lý thì khi nhà đầu tư đã thực hiện giao dịch mua chứng khoán và khớp lệnh thành công thì quyền sở hữu và định đoạt chứng khoán đã thuộc về họ, họ được phép toàn quyết quyết định đối với tài sản của mình ngay lập tức.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank
Ông Hải cho răng nên cho phép các nhà đầu tư mua và bán chứng khoán trong cùng một ngày. Nếu muốn nhà đầu tư phải giữ chứng khoán lâu hơn trước khi bán thì có thể quy định biên độ giao động hẹp lại thay vì 5% có thể xuống 2%, khi đó nhà đầu tư muốn đạt lợi nhuận 10% thì phải có ít nhất 5 phiên tăng trần liên tiếp, nhưng theo quan điểm của tôi thì biên độ hiện tại là tương đối hợp lý không cần phải thay đổi
Thứ ba, phát triển thêm dịch vụ: cho nhà đầu tư vay chứng khoán để kinh doanh.
Xuất phát từ nhu cầu có thật trên thị trường chứng khoán. Một số nhà đầu tư đang có chứng khoán nhưng chưa có nhu cầu bán và một số nhà đầu tư có nhu cầu bán chứng khoán nhưng lại không có chứng khoán. Dịch vụ cho vay chứng khoán nên được phát triển để đáp ứng nhu cầu của 2 đối tượng này. Người cho vay sẽ được hưởng lãi suất, còn người người đi vay sau thời gian nhất định phải trả cả chứng khoán và tiền lãi cho người cho vay, người đi vay cũng phải có tài sản đảm bảo nhất định để đảm bảo cho khoản vay. Công ty chứng khoán là đơn vị trung gian để thực hiện và quản lý các giao dịch nêu trên.
Với dịch vụ này sẽ tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán luôn sôi động kể cả khi thị trường tăng điểm hoặc giảm điểm. Một số quan điểm cho rằng với hình thức này là “ bán khống” gây rủi ro cho thị trường, theo tôi là không chính xác. Hình thức này hoàn toàn khác với “ snake short sell “ tức là bán khống chứng khoán khi nhà đầu tư không có chứng khoán “ mà hiện nay nhiều quốc gia đang hạn chế.
Việc cho vay giữa các nhà đầu tư phải trên cơ sở đồng ý giữa 2 bên là người cho vay và người đi vay, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể vay được chứng khoán để bán và các nhà đầu tư đi vay chứng khoán đều phải có tài sản đảm bảo, khi số tài sản đảm bảo nêu trên không còn đủ số dư thì sẽ bị công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp “xử lý” để bù đắp rủi ro.
Các nhà đầu tư khi vay được chứng khoán để bán họ cũng phải cân nhắc thời gian phải mua vào để trả lại chứng khoán nên không dễ để có hoạt bán chứng khoán ồ oạt dẫn tới thị trường giảm điểm mạnh. Và một điều quạn trọng nữa là những nhà đầu tư có chứng khoán cho vay, họ đã không có nhu cầu bán chứng khoán cho dù thị trường sẽ giảm điểm thì việc chứng khoán giảm điểm không có nhiều ý nghĩa với họ, họ vẫn có thể hưởng lãi suất từ hoạt động cho vay chứng khoán này ( ví dụ nhiều nhà đầu tư lâu dài không có nhu cầu bán chứng khoán trong một thời gian dài ).
Thứ tư, về các quy định đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Các quy định hiện nay đã khá chặt chẽ với dòng vốn gián tiếp nước ngoài. Quan niệm dòng vốn này có khả năng gây rủi ro lớn là hơi quá mức cần thiết vì đặc điểm thị trường Việt Nam khác biệt so với các nước khác: Không được bán khống cổ phiếu, biên động giao động trong phiên bị hạn chế.
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đang làm cho thị trường chuyên nghiệp hơn và thay đổi tư duy, quan điểm đầu tư của các nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư bài bản, lâu dài hơn nhà đầu tư trong nước và họ dựa vào phân tích thực chất hoạt động doanh nghiệp nhiều hơn . Hơn nữa, các nhà đầu tư trong nước cũng đã có những cái nhìn riêng và tương đối độc lập trong quyết định của mình, không phải lúc nào cũng mua theo chân các nhà đầu tư nước ngoài. Những nhà đầu tư nước ngoài cũng là các đơn vị kinh doanh nên họ cũng không dại gì bán rẻ cổ phiếu ồ oạt để rút vốn mà chấp nhận thua thiệt, việc rút vốn chỉ xảy ra khi môi trường kinh doanh tại Việt Nam không thuận lợi và không mang lại lợi nhuận theo mong muốn.
Điểm mấu chốt quan trọng chính là thị trường chứng khoán sơ cấp mới đem lại nguồn vốn thực sự cho doanh nghiệp, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại nguồn vốn, thậm chí cả kỹ năng quản trị và khách hàng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank