Cần hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu
Đăng ngày: 9/10/12Ngày 19/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để xử lý căn bản vấn đề nợ xấu trước hết phải xây dựng hành lang pháp lý về quản lý việc mua bán nợ xấu.
Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để tiến hành xử lý nợ xấu phải có định chế mua bán nợ, phải có tổ chức đánh giá tín nhiệm.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank, cho rằng muốn thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thì phải xác định rõ nguồn tiền và cơ chế hoạt động, xử lý nợ xấu rõ ràng, cơ chế quản lý giá mua nợ… Cùng với đó thực hiện hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, rà soát phân loại nợ đánh giá theo rủi ro, giám sát chặt chẽ xếp hạng khách hàng, minh bạch thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó có thông tin nợ xấu; đạo đức nghề nghiệp…
Ngoài ra, các ý kiến tham luận tại hội thảo cũng cho rằng việc thành lập công ty mua bán nợ nợ xấu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu hoạt động của công ty mua bán nợ là xử lý nợ xấu để cứu doanh nghiệp chứ không phải để làm "sạch" ngân hàng. Trong đó, các giải pháp thực hiện giải quyết nợ xấu cần được lựa chọn phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này như xác định rõ cơ chế hoạt động; định giá các khoản nợ xấu hợp lý... Các món nợ phải được định giá nghiêm túc, như nợ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 không thể được mua với giá như nhóm 4 và nhóm 5 do mức độ rủi ro khác nhau thì chất lượng cũng như giá cả là khác nhau.
Từ Khóa: PT, TH, Nợ, Nợ Xấu, Rủi Ro, Chất Lượng, Nhóm,