Cảm ơn Nghị quyết 30a của Chính phủ
Đăng ngày: 7/3/12Mù Cang Chải là huyện xa và nghèo nhất của tỉnh Yên Bái.

Mở đầu câu chuyện về XĐGN, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Giàng A Tông, quả quyết rằng: "Nghị quyết 30a của Chính phủ là một chính sách an sinh xã hội, là đòn bẩy, và nguồn lực góp phần thiết thực cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc, đồng thời cũng là động lực để Mù Cang Chải chúng tôi thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững". Ông dẫn chứng một cách cụ thể: 3 năm qua toàn huyện được Nhà nước đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: xây 10 công trình thủy lợi, 10 công trình cấp nước, 14 công trình giao thông, 1 công trình ngầm tràn, 1 công trình cầu treo; hỗ trợ phát triển sản xuất trên 30 tỷ đồng; đầu tư cho chính sách y tế, dân số 240 triệu đồng; chính sách cán bộ 50 triệu đồng và hỗ trợ cho chính sách XKLĐ 357 triệu đồng. Hiện nay, 100% số xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã; hơn ½ số dân được dùng điện lưới quốc gia. Thực hiện Nghị quyết 30a ngoài sự giúp đỡ của Chính phủ, từ năm 2011 đến 2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đã cam kết hỗ trợ Mù Cang Chải 300 tỷ đồng để giúp đồng bào nghèo nơi đây cải thiện nhà ở, đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế và giảm nghèo.
Ngoài xây dựng kết cấu hạ tầng, Nghị quyết 30a còn đầu tư toàn diện cho hộ nghèo từ giống, phân bón, vật tư, chăn nuôi đến chăm sóc sức khỏe cho người dân. Gia đình ông Hờ Chờ Già ở xã Chế Cu Nha, trước đây quanh năm đói ăn. Mấy năm qua được nguồn vốn 30a hỗ trợ đã thoát được nghèo. Riêng năm 2011, nhà ông được hỗ trợ 10 kg giống lúa, 3 kg giống ngô. Ông Già người Mông vui vẻ "báo cáo" kết quả: "Tôi đã xuống giống, gieo trồng hết, thu về được nhiều lúa, nhiều ngô lắm. Cảm ơn "30a" của Chính phủ đã giúp người nghèo có cuộc sống mới".
Ông Sùng Nhà Chu - Trưởng bản Trống Sua, xã Dế Xu Phình, kể: Trước đây dân bản chỉ biết trồng lúa nương bằng giống địa phương, nên lúa thu về rất ít, không đủ ăn. Mấy năm qua được Nhà nước đầu tư 780 triệu đồng, xây dựng công trình thủy lợi phục vụ 20 ha ruộng bậc thang, được hướng dẫn kỹ thuật, nhân dân trong bản đã biết gieo cấy lúa nước, đưa giống lúa lai năng suất cao vào thâm canh, tăng vụ. Có cây lúa, cây ngô, nhiều hộ biết nuôi dê, nuôi gà đen làm hàng hóa. Kinh tế khá lên, người Mông thôi không phá rừng, du canh mà định canh, định cư. Nhờ vậy, hộ nghèo trong bản giảm từ 72,7% năm 2006, xuống còn 40%.
Năm 2011, huyện Mù Cang Chải xóa nhà dột nát cho 516 hộ. Anh Giàng A Pàng, xã Khao Mang, kể: gia đình tôi trước đây nhà ở nhỏ bé lắm, mỗi khi trời mưa xuống là nhà dột, ướt hết. Năm rồi, nhà tôi cũng như các hộ được làm nhà mới ở trong huyện, mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia hỗ trợ 6,3 triệu đồng/hộ, NHCSXH cho vay tối đa 8 triệu đồng/hộ, tỉnh hỗ trợ 1,4 triệu đồng/hộ, cộng cả 4 khoản được 24,1 triệu đồng, gia đình chỉ phải thêm 5 triệu đồng. "Có nhà mới rồi, giờ chỉ lo làm ăn thôi" - Giàng A Pàng phấn khởi nói.
Còn Chủ tịch huyện Giàng A Tông, khẳng định: "Xóa nhà dột nát là cơ sở để dân thoát nghèo. Vì có an cư mới lạc nghiệp".