Cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng hoạt động
Đăng ngày: 3/2/12Là tổ chức tín dụng của Nhà nước, hoạt động vì mục tiêu XĐGN, phát triển kinh tế và đảm bảo ASXH, đối tượng vay chủ yếu là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng vay vốn, NHCSXH đã thành lập các điểm giao dịch tại xã và đơn giản thủ tục vay vốn cho người dân.

Ngày 21/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 64/NQ-CP về đơn giản hoá thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH. Theo đó, trong tổng số 139 thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH (đa số là quy trình thủ tục cho vay của 18 chương trình tín dụng ưu đãi), có 91 thủ tục được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ để thực hiện đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc. NHCSXH thực hiện cải cách và đơn giản hoá thủ tục qua thực tiễn hoạt động để đảm bảo các quy trình thủ tục luôn thống nhất và gọn nhẹ cho khách hàng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2011 NHCSXH tiếp tục thực hiện giai đoạn thực thi các khuyến nghị đơn giản hoá thông qua tổng hợp và ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ các thủ tục theo phương án đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc đã được Chính phủ thông qua. Việc đơn giản hoá quy trình và thủ tục cho vay sẽ tạo điều kiện giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ của NHCSXH.
NHCSXH luôn cố gắng rút ngắn thời gian giải ngân, đơn giản các thủ tục vay, mẫu tờ khai tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, với xu thế phát triển thì trong quá trình hoạt động, NHCSXH tiến hành rà soát, phân tích và tham khảo ý kiến của cán bộ, người dân để loại dần những quy trình, thủ tục không cần thiết. Đơn cử, trước đây, một số chương trình cho vay, khách hàng phải trực tiếp đến trụ sở chính, ngoài người đi vay phải có người thừa kế đi cùng để làm chứng nhưng hiện quy định này đã được loại bỏ. Bên cạnh đó, thay vì mỗi chương trình vay phải lập một Sổ vay vốn riêng như trước đây thì hiện nay mỗi hộ chỉ cần một Sổ vay vốn. Vì thế, nếu theo quy định trước đây thì người dân có thể vay nhiều chương trình, mỗi chương trình phải làm một Sổ vay vốn là không cần thiết. NHCSXH đã thực hiện 1 Sổ vay vốn cho nhiều chương trình. Việc đổi sổ giúp cán bộ ngân hàng quản lý nguồn vốn chặt chẽ hơn, quản lý hồ sơ dễ dàng hơn. Đây cũng là dịp để NHCSXH và các hội, đoàn thể kiểm kê lại được nguồn vốn cho vay, phát hiện và xử lý sai phạm, xâm tiêu, đồng thời phát hiện và xử lý các trường hợp đã vay trùng lắp mà ngân hàng chưa kiểm soát được cũng như tránh được hiện tượng vay trùng lắp trong tương lai, vừa tiện theo dõi dư nợ của khách hàng vừa tiết kiệm, bớt rườm rà cho người dân. Hiện quy trình vay vốn của NHCSXH cũng rất đơn giản. Thời gian từ khi bắt đầu thông báo vốn đến bình xét, lập danh sách, chậm nhất 5 ngày là giải ngân xong. Hiện NHCSXH đang cố gắng rút ngắn thời gian xuống 2 - 3 ngày bằng cách tập huấn, đôn đốc các Tổ TK&VV, 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác ở cơ sở đẩy nhanh tiến độ bình xét.
Trong hai năm (2009 - 2010), toàn hệ thống NHCSXH đã hoàn thành công tác đổi Sổ vay vốn, kết quả đã đổi sổ được 5.591 nghìn hộ, đạt hơn 97% kế hoạch, số hộ không đổi sổ là 169 nghìn hộ, chiếm gần 3%. Nguyên nhân không đổi được Sổ vay vốn chủ yếu là: Người vay bỏ đi khỏi địa phương lâu ngày, người vay bị rủi ro, người vay chết, mất năng lực hành vi dân sự, người vay bị xâm tiêu chiếm dụng… Thông qua việc đổi Sổ vay vốn cũng là dịp để NHCSXH và các hội, đoàn thể kiểm kê lại nguồn vốn cho vay.
Song song với công tác đổi Sổ vay vốn, NHCSXH phát hành Biên lai thu lãi. Việc phát hành Biên lai thu lãi là một việc làm rất khoa học, tạo điều kiện cho Ban quản lý Tổ TK&VV chủ động khi thu lãi hàng tháng, đồng thời hộ vay vốn có cơ sở tin tưởng chắc chắn đối với số lãi gia đình mình nộp hàng tháng. Đây là bước cải tiến giúp cho hoạt động của ngân hàng rõ ràng và minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả thu hồi vốn, người vay vốn nắm rõ thông tin trả lãi ngân hàng của hộ gia đình.
Cải cách thủ tục hành chính là chặng đường song song với chặng đường hoạt động của NHCSXH. Vì vậy, NHCSXH đã chủ động tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nghiêm túc và tích cực thực hiện cải cách trong khuôn khổ của Đề án 30 và cam kết sẽ tiếp tục cải cách hơn nữa trong tương lai, đảm bảo đồng vốn đến được với người dân dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả.
Ngoài việc rút gọn thời gian, thủ tục, NHCSXH cũng luôn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc in sao kê, cập nhật chương trình giao dịch, thu chi để thuận tiện công tác quản lý, giải quyết. Đối với chương trình vay thuộc đối tượng HSSV, NHCSXH đã phối hợp với NHNo&PTNT và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giải ngân qua thẻ ATM, để tạo thuận tiện trong thủ tục vay, trong giao dịch. Ngoài ra, ngân hàng cũng thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng để tiếp đón, giải thích kịp thời, nhanh chóng các thông tin cần thiết khi khách hàng có nhu cầu. Tại mỗi điểm giao dịch, ngân hàng đều cho đặt hòm thư góp ý để người dân có thắc mắc hay không hài lòng về quy trình, thủ tục vay, thái độ của cán bộ để biết và sớm khắc phục. Vì thế, trong thời gian qua, rất ít ý kiến khách hàng phàn nàn về thái độ phục vụ, tiến độ giải ngân của khách hàng mà ngược lại, phần lớn khách hàng hiện đã xem điểm giao dịch vay vốn như là ngôi nhà chung để họ vay vốn sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, XĐGN.
Từ khi thành lập năm 2003, NHCSXH được nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng chính sách nhưng đến nay đã lên đến 18 chương trình. NHCSXH có màng lưới rộng khắp tại tất cả các tỉnh, thành phố, hơn 200 nghìn Tổ TK&VV và gần 10.500 điểm giao dịch lưu động tại xã phục vụ trực tiếp đến người thụ hưởng chính sách. Với mô hình hoạt động đặc thù như vậy, lại mở rộng thêm nhiều chương trình tín dụng khác nhau, ngân hàng đã nghiên cứu cải cách để áp dụng chung một phương thức, một thủ tục cho vay, vừa tạo thuận lợi cho người dân đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Đỗ Minh Hùng