Các phương thức tài trợ vốn ngân hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu
Đăng ngày: 4/1/12 Trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) XK đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro trong đó có rủi ro về thị trường do suy giảm kinh tế, gia tăng các rào cản thương mại, rủi ro về vốn đầu tư, rủi ro về tỷ giá,...
Hoạt động xuất khẩu (XK) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. XK đem lại nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho đất nước, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; XK góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển;.v.v. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) XK đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro trong đó có rủi ro về thị trường do suy giảm kinh tế, gia tăng các rào cản thương mại, rủi ro về vốn đầu tư, rủi ro về tỷ giá,...
Vốn dành cho các DN đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như: tín dụng nhà cung cấp, các khoản phải nộp, phải trả tạm thời, vốn tự có, vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu công ty, tín dụng ngân hàng (NH),.v.v. Đối với các DNXK, có thể khẳng định, tín dụng NH đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi khó khăn về nguồn vốn được dự đoán, thì việc sử dụng hiệu quả, nắm bắt rõ các phương thức cung cấp vốn của NH sẽ đem lại cho các DNXK những cơ hội tăng trưởng SXKD, mở rộng thị trường với chi phí hợp lý nhất.
5 giai đoạn trong chu kỳ SXKD
DNXK thông thường trải qua 5 giai đoạn trong chu kỳ SXKD: (1) Nhận đơn hàng XK/Kí kết hợp đồng XK /nhận thư tín XK; (2) Mua/ nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất; (3) Sản xuất ; (4) Giao hàng và xuất trình chứng từ hàng hóa đến NH; (5) Nhận tiền thanh toán từ người nhập khẩu/ NH nhập khẩu.
Các DNXK ở Việt Nam quen sử dụng phương thức vay thông thường để phục vụ phần lớn nhu cầu vốn cho hoạt động SXKD của mình. Cho vay thông thường là việc khách hàng sử dụng một khoản tiền do NH cung cấp trong một thời gian nhất định và hoàn trả gốc, lãi khi đến hạn. Đây là hình thức tín dụng truyền thống theo đó NH cung cấp tín dụng thông qua thẩm định khả năng tài chính, tài sản đảm bảo, phương án SXKD v.v của khách hàng. Các khoản tín dụng dạng này có thể là một lần, theo hạn mức hoặc theo hợp đồng tín dụng tuần hoàn. Khách hàng có thể sử dụng khoản tín dụng này trong bất kỳ giai đoạn SXKD nào miễn là thuộc phương án SXKD đã được NH thẩm định. Tuy nhiên, do các DNXK ở Việt Nam chủ yếu là các DN vừa và nhỏ nên việc tiếp cận khoản vốn tín dụng theo hình thức này khó khăn hơn so với các DN SXKD khác. Nếu tiếp cận được thì mức lãi suất mà DN phải chịu khá cao, hạn mức tín dụng được cấp cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Tận dụng những đặc điểm sẵn có trong chu kỳ SXKD, DNXK có thể tìm kiếm được những nguồn vốn giá rẻ hơn từ NH. Cụ thể, trong 5 giai đoạn kể trên, DNXK có thể tìm kiếm nguồn tín dụng NH tại các giai đoạn (1), (2) và (4).
Tín dụng ứng trước cho người XK
Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện hợp đồng XK, DNXK có thể đề nghị NH phục vụ/ người nhập khẩu cung cấp một khoản tín dụng ứng trước cho đến khi thu được lợi nhuận từ hoạt động XK.
DNXK có thể nhận khoản tín dụng ứng trước từ người nhập khẩu thông qua NH phục vụ với phương thức thư tín dụng điều khoản đỏ. Đây là loại thư tín dụng có điều khoản qui định NH phát hành sẽ ứng trước cho DNXK một khoản tiền nhất định vào một thời điểm xác định, thường là ngay khi thư tín dụng được mở hoặc sau khi NH phát hành nhận được một số chứng từ yêu cầu từ người XK như: Hối phiếu, hóa đơn,.v.v. DNXK chịu chi phí liên quan còn NH phát hành thư tín dụng chịu trách nhiệm về khoản ứng trước này. Người nhập khẩu sẽ qui định rõ tổng giá trị tiền ứng trước, nó có thể là tỉ lệ phần trăm hoặc thậm chí toàn bộ giá trị thư tín dụng tùy thuộc quan hệ với DNXK.
Bên cạnh đó, DNXK cũng có thể tiếp cận các khoản tín dụng ứng trước trực tiếp từ NH phục vụ. Thông qua việc thế chấp thư tín dụng XK, thẩm định phương án SXKD của một thương vụ riêng lẻ, không liên quan quá nhiều đến việc thẩm định khả năng tài chính, tài sản đảm bảo, NH có thể ứng trước cho DNXK và lấy nguồn thu từ hoạt động XK làm khoản hoàn trả cho các khoản ứng trước này. Phương thức này tỏ ra khá có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu vốn của các DNXK khi mà các DNXK - đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các khoản tín dụng thông thường.
Cho vay trên cơ sở hối phiếu
Trong trường hợp DNXK đồng ý cho người nhập khẩu trả chậm thì khi giao hàng DNXK sẽ nhận lại một hối phiếu có thời hạn, là cam kết của người nhập khẩu trả tiền khi đáo hạn. Đây là đặc điểm điển hình của các giao dịch XK của các DNXK Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản,... Khi cần vốn tại thời điểm hối phiếu chưa đến hạn, DNXK có thể yêu cầu một khoản TDNH bằng cách đem chiết khấu các hối phiếu. Hình thức này rất phổ biến ở các nước vì việc chiết khấu thường dễ dàng và và đem lại lợi ích cho DNXK vì ngay khi giao hàng hóa, DNXK đã có doanh thu từ hoạt động XK để tái đầu tư, sản xuất.
Thời hạn vay được tính bằng thời hạn còn lại chưa đến hạn thanh toán của hối phiếu. Người hoàn trả tiền vay và lợi tức là người có nghĩa vụ trả tiền ghi trên hối phiếu. Cơ sở để xác định giá trị tín dụng này là giá trị của hối phiếu sau khi đã trừ đi giá trị chiết khấu và các khoản phí liên quan.
Lãi suất chiết khấu thường phụ thuộc vào: khả năng thanh toán của người nhập khẩu, thời hạn thanh toán, giá trị hối phiếu. Do vậy, một NH lớn với mạng lưới đại lý rộng khắp sẽ có hiểu biết tốt nhất về các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới và cung cấp một lãi suất chiết khấu có lợi nhất DNXK.
Chiết khấu bộ chứng từ hàng hoá XK
Đây là hình thức tín dụng NH cấp cho DNXK trên cơ sở chiết khấu bộ chứng từ hàng hóa XK trước khi đến hạn thanh toán. Như vậy, NH tạo điều kiện cho DNXK có thể thu hồi được vốn nhanh tương tự như phương thức cho vay trên cơ sở hối phiếu. Có 2 phương thức chiết khấu: (1) Chiết khấu bảo lưu quyền truy đòi là việc NH chiết khấu sẽ quay lại truy đòi DNXK nếu đến hết thời hạn chiết khấu vẫn không nhận được tiền thanh toán cho bộ chứng từ XK. Lãi suất chiết khấu trong trường hợp này thấp hơn so với phương thức chiết khấu miễn truy đòi; (2) Chiết khấu miễn truy đòi là việc NH mua đứt bộ chứng từ, NH chiết khấu chịu rủi ro, không được truy đòi lại khách hàng khi đến hết thời hạn chiết khấu vẫn không nhận được tiền thanh toán cho bộ chứng từ XK. DNXK thường sử dụng hình thức này để tìm kiếm nguồn tài trợ ngắn hạn phục vụ nhu cầu tiền mặt tạm thời. Các NH ở Việt Nam hiện nay đang cung cấp dịch vụ chiết khấu bộ chứng từ hàng hóa đối với các phương thức thanh toán thư tín dụng, nhờ thu, chuyển tiền. Các DNXK sẽ chịu lãi suất chiết khấu khác nhau đối với các phương thức thanh toán khác nhau tùy thuộc vào rủi ro của NH chiết khấu trong từng phương thức.
Bao thanh toán
Là việc NH cung cấp tín dụng thông qua việc mua lại hoặc ứng trước có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu - là khoản tiền DNXK được quyền thu từ người nhập khẩu hoặc người nhập khẩu có nghĩa vụ phải trả sau khi đã nhận được hàng hóa, dịch vụ từ DNXK theo thỏa thuận trong hợp đồng thương mại.
Nghiệp vụ Bao thanh toán đem lại rất nhiều tiện ích cho DNXK: có thể thu tiền bán hàng về ngay thay vì phải đợi đến kỳ hạn thanh toán theo hợp đồng; tăng lợi thế cạnh tranh khi chào hàng với các điều khoản thanh toán trả chậm mà không ảnh hưởng đến nguồn vốn SXKD; tăng được nguồn vốn lưu động phục vụ SXKD,.v.v. Ngày nay khi phương thức thanh toán trả chậm hoặc ghi sổ ngày càng trở nên phổ biến, thông dụng thay cho phương thức thanh toán bằng thư tín dụng thì khả năng cầm giữ các đơn hàng XK càng trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với ít tiềm lực về vốn. Dịch vụ bao thanh toán đã giúp DNXK giải quyết được vấn đề này. Chính vì vậy trong tương lai không xa, Bao thanh toán sẽ trở thành nghiệp vụ thông dụng thay thế dần cho các hình thức tín dụng NH khác.
Nói tóm lại, việc lựa chọn phương thức tài trợ vốn nào là tùy thuộc vào quyết định của từng DNXK. Một phương thức quen thuộc có thể dễ dàng cho DN trong việc tiếp cận nhưng chi phí lại cao hơn rất nhiều so với các phương thức mới, mà quyết định của NH phụ thuộc vào chu kỳ SXKD, vào phương thức thanh toán của DNXK. Lựa chọn các NH lớn, có uy tín, mạng lưới đại lý rộng khắp, có khả năng tư vấn sâu về nghiệp vụ sẽ đem lại cho DNXK những cơ hội sử dụng tín dụng NH phù hợp và với giá cả hợp lý nhất.
Phạm Thị Thanh Nga - Sở giao dịch VietinBank
Tài liệu tham khảo:
- Các sản phẩm Tài trợ thương mại của VietinBank;
- VCCI - Vietnam Business Forum;
- http://thanhai.wordpress.com/
Từ Khóa: Phương Thức, Doanh Nghiệp, DN, Xuất Nhập Khẩu, Xuất Khẩu, Sản Xuất, Kinh Doanh,