Các chương trình QE chỉ mang đến lạm phát
Đăng ngày: 29/9/11Sau liên tiếp mấy chương trình QE được tung ra, cái thế giới nhận được chỉ là lạm phát ngày càng cao chứ không phải tăng trưởng kinh tế.

Cuối tháng 7/2011, thâm hụt ngân sách Mỹ tăng cao, sau đó đến việc S&P hạ xếp hạng tín dụng Mỹ vào đầu tháng 8/2011. Thị trường tài chính bước vào khoảng thời gian lo lắng về thâm hụt ngân sách và nợ công cao. Gần đây nhất, chúng ta đón nhận hàng loạt tuyên bố bi quan về kinh tế thế giới.
Có một nguyên nhân đằng sau tất cả thông tin kinh tế u ám này. Đó là sự thất bại về lãnh đạo. Tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách đã không thể đưa ra được kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách đáng tin cậy. Điều tương tự xảy ra tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Tuy nhiên dự báo kinh tế mới nhất không quá bi quan. IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4% trong năm 2011 và 2012, tương đương với con số trước khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên dự báo bi quan của các nhà hoạch định chính sách khiến thị trường hoài nghi rằng một điều gì đó thực sự bi quan đang đến.
Vậy làm sao thoát khỏi tình cảnh hiện nay? Nếu muốn thoát khỏi một cái hố, trước tiên hãy ngừng đào bới. Nếu các nhà hoạch định chính sách không thể nói được điều gì tích cực về tình hình môi trường kinh tế hiện nay, tốt nhất họ không nên nói gì.
Thứ hai, cần xây dựng nền tảng tích cực cho chương trình hành động tại hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 11/2011. Thế nhưng cái chúng ta cần không phải chính sách của thời kỳ năm 2008 - 2009, khi đó trọng tâm chính là ngăn sự sụt giảm của nhu cầu cũng như sản lượng toàn cầu. Thay vào đó, chúng ta cần chính sách giúp hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.
Thế giới cần phải nhận thức rõ ràng rằng trong thế kỷ 21, chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ bởi một số thị trường mới nổi khác, sẽ trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất của kinh tế thế giới. Châu Âu và Mỹ cần điều chỉnh để thích nghi với tăng trưởng kinh tế 2% trong trung hạn (nếu họ có thể làm được điều đó) và tập trung giải quyết vấn đề thất nghiệp cao.
Chính phủ các nước phương Tây hiện cần lo lắng về điều chỉnh cấu trúc nhiều nhất: đảm bảo thị trường lao động linh hoạt, môi trường kinh doanh không chịu quá nhiều rào cản từ hoạt động điều tiết quá chặt chẽ, thuế thấp, cấu trúc thuế linh hoạt, khuyến khích đổi mới doanh nghiệp.
Ngân hàng Trung ương nên ngừng vỡ vĩnh rằng họ có thể giải quyết mọi khiếm khuyết của hệ thống kinh tế bằng việc cung cấp các gói kích thích quy mô không hạn chế bất kỳ khi nào tăng trưởng yếu đi. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy việc tiếp tục kích thích nhu cầu để bù lại cho tăng trưởng yếu có thể dẫn đến lạm phát và bất ổn tài chính.
Thời kỳ năm 2008 - 2009, các Ngân hàng Trung ương đã hành động quyết liệt để bình ổn tình hình kinh tế dù nhu cầu tiêu dùng và sản lượng đi xuống. Thế nhưng hiện nay họ nên tập trung nhiều hơn vào các quyết định của mình, vì vậy, họ phải sẵn sàng thắt chặt chính sách khi cần thiết, ngoài ra sẵn sàng nới lỏng chính sách để ứng phó với rủi ro kinh tế đi xuống.
Tại Anh, các nhà hoạch định chính sách đã để lỡ cơ hội đưa ra chính sách kích thích tiền tệ cho khoảng thời gian nửa sau năm 2011. Mỹ tập trung vào chương trình QE2. Chính sách chưa thể kích thích được tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, chính sách chỉ dẫn đến lạm phát cao. Dù có thêm chính sách kích thích nữa cũng chỉ đến vậy, không thể kích thích được tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế các nước phương Tây không cần thêm chính sách kích thích mà cần cơ hội để thích nghi với thực trạng mới thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính. Và họ cần tín hiệu mạnh hơn từ các nhà hoạch định chính sách cho thấy họ sẵn sàng đưa ra chính sách kinh tế đứng đắn trong trung hạn.
Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước đang trong giai đoạn hoạch định chính sách kinh tế đầy khó khăn. Nếu họ thất bại, họ sẽ thấy tương lai còn khốn khổ hơn. Những gì diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy điều đó rất rõ ràng.
Andrew Sentence, cựu thành viên thuộc ủy ban hoạch định chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương Anh.
Từ Khóa: Dự Báo, IMF, Thế Giới, Tăng, Tăng Trưởng, Khủng Hoảng, Tài Chính,