Buôn làng người Giơ Rai khởi sắc
Đăng ngày: 23/11/12Trên vùng đất đỏ nơi biên giới của huyện Đức Cơ (Gia Lai) có một làng quê của đồng bào dân tộc Giơ Rai sinh sống từ lâu đời nhưng trước đây không lâu còn lạc hậu, nghèo khó, đến nay đã đổi thay mau lẹ nhờ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhất là được hỗ trợ vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua kênh NHCSXH tiếp sức mạnh mẽ và kịp thời.
Đó là làng Chan thuộc xã Fa Puôn, hiện có 281 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, tất cả đều là người Giơ Rai, nằm bên sườn một ngọn núi cao, xung quanh bao phủ màu xanh ngút ngàn của những rừng cao su, cà phê và những nương bắp, đồng mía...
Tiếp khách trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây, ông Siu Blik - Bí thư Chi bộ làng Chan mở đầu câu chuyện: “Hơn 10 năm trước, đời sống bà con ở đây khổ cực lắm ruộng nước chưa có, quanh năm chỉ biết “chọc đốt, chọc tỉa”. Cái tay biết làm, cái đầu cũng biết nghĩ đến nhưng hiềm một nỗi là không có vốn, thiếu cách thức làm ăn nên cuộc sống của bà con tất cả đều trông vào trời. Năm nào “trời thưởng, nghĩa là mưa nắng thuận hòa, thì cây lúa, cây bắp nhiều hạt, con chồn, con heo không phá phách thì còn có cái để ăn, ngược lại nhiều vụ bị mưa to, gió giật, mất mùa thì cái đói, cái khổ lại đeo bám”.
Bí thư Chi bộ làng Chan kể tiếp: “Người dân nơi đây ai cũng nhớ, về cái mùa giáp hạt năm 2005 ấy! Trong lúc bà con đang lên rừng xuống núi lo từng bữa ăn thì cũng là lúc cán bộ NHCSXH ở tận trên huyện cùng các cán bộ chính quyền, đoàn thể của xã đã “cuốc bộ” vào tận làng Chan, đến từng nhà đồng bào Giơ Rai vận động mọi người vay vốn ưu đãi của Nhà nước để tăng gia sản xuất, xóa nghèo. Ngày ấy, bà con làng mình còn lạc hậu lắm, ít người biết mặt cái chữ, không ai dám vay tiền của ai đâu, kể cả tiền của Nhà nước lãi suất thấp, vì họ không biết vay để làm gì, hơn nữa vay rồi biết lấy gì để trả nợ đây. Nếu Nhà nước cấp không cho luôn thì nhận, chứ bảo vay thì ngại ngần. Đến khi họp làng, họp dân lại, nghe cán bộ giải thích, mọi người mới vỡ lẽ, hiểu biết và phấn chấn, “làm” đơn xin vay vốn ưu đãi ưu đãi. Ngay đợt đầu tiên, cả làng Chan, hầu hết người nghèo và đồng bào dân tộc được vay vốn nhanh chóng, thuận lợi, bình quân 15 triệu đồng/hộ. Vốn về, vườn cây được trồng, đàn gia súc được nuôi, lại có sự hướng dẫn kỹ thuật của các tổ chức hội, đoàn thể nên sản xuất nơi vùng quê heo hút có đà phát triển. Đến nay, nhà nào trong làng cũng sử dụng vốn vay ưu đãi trồng cao su dọc vành đai biên giới và nhiều hộ dân còn lợi thế đồi núi, dẫn nước ngọt về cải tạo ruộng đồng, cấy thêm lúa giống mới và trồng gần 300ha bắp lai năng suất cao... đạt tổng dư nợ NHCSXH huyện Đức Cơ là 1 tỷ 314 triệu đồng.
Từ sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi, người Gia Rai ở làng Chan đã làm nên một điều kỳ diệu ở vùng biên giới Gia Lai, từ một làng nghèo khó, nhà cửa xác xơ, thế mà chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” đã hội tụ đầy đủ. Đan xen bên những công trình ấy là những ngôi nhà xây mới vững chắc, sạch đẹp từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 167 xoá nhà tranh tre dột nát, và nhờ NHCSXH làm chỗ dựa vững chắc, nhiều hộ phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo, có của ăn của để thêm vốn tích luỹ xây nhà mới, sắm sửa nhiều vật dụng máy móc phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Gặp mọi người, anh Ksor Găn (33 tuổi) nói như khoe: “Mình vay vốn ưu đãi trồng 5ha cao su, 1ha mì và 5 sào cà phê. 3 năm qua mỗi năm mình thu nhập hơn 300 triệu đồng. vừa rồi, mình đã trả hết nợ cho ngân hàng rồi, còn lại vừa mua chiếc xe bán tải chở vật tư và sản phẩm giá hơn 100 triệu đồng. 5 năm liền mình được bầu là thanh niên dân tộc sản xuất kinh doanh giỏi” vùng Tây Nguyên. Ksor Găn làm ăn thành đạt nhờ vốn vay NHCSXH trợ sức nhưng chưa phải đứng đầu bảng vì ở làng Chan nhiều hộ dùng vốn ưu đãi xoá nghèo bền vững và giàu hơn nhiều. Nói rồi như để chứng minh Ksor Găn kể rành rọt tên, tuổi những tỷ phú là người Giơ Rai đã sử dụng vốn vay ưu đãi khai thác “vàng trắng” trên cao nguyên đất đỏ.
Với người Giơ Rai, ở làng Chan, nghèo đói giờ đã lùi vào dĩ vang. Từ chuyện lo cái ăn hàng ngày, rồi đến việc mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất và cách thức sử dụng vốn vay cùng với sự ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giờ đây bà con đang vươn lên cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ chính bàn tay lao động của mình và sự giúp đỡ của ban, ngành, đoàn thể, sự tiếp sức thiết thực của NHCSXH. Những gì mà người Giơ Rai ở nơi biên giới Gia Lai làm được trong thời gian qua về giúp nhau xoá nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự xã hội bản làng, đã góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.