Bước chuyển trên thị trường trái phiếu 2011
Đăng ngày: 30/12/2010Sau hơn một năm đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu chuyên biệt đã thể hiện được những ưu điểm mà cơ quan quản lý kỳ vọng khi xây dựng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trên, những vấn đề còn chưa hợp lý đã dần bộc lộ.
Các bên liên quan đã nghiên cứu, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng khắc phục. Năm 2011, thị trường trái phiếu chuyên biệt được kỳ vọng sẽ có những bước chuyển, mang tầm vóc mới.
Tính đến thời điểm này, tổng khối lượng trái phiếu đã niêm yết trên thị trường trái phiếu chuyên biệt lên tới 2,227 tỷ trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu chính phủ (chiếm tỷ trọng 75%), với giá trị niêm yết trái phiếu chính phủ (TPCP) là 167.495 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng kết 1 năm hoạt động thị trường TPCP chuyên biệt (24/9/2009 đến 24/9/2010), quy mô niêm yết tăng 52.000 tỷ đồng, tương đương 32%, đưa tổng giá trị TPCP niêm yết tại thời điểm 24/9/2010 lên 12% GDP dự kiến cuối năm 2010. Điểm nổi bật của thị trường chính là tính minh bạch, thông tin chuyên sâu hơn cho các NĐT thông qua hệ thống dữ liệu cung cấp trên Sở GDCK Hà Nội.
Với bộ cơ sở dữ liệu thông tin đồ sộ, tập trung và tổng hợp về toàn bộ hoạt động của thị trường TPCP, được phân bổ tức thời cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư trái phiếu qua nhiều kênh thông tin như mạng thông tin giao dịch TPCP, website, các mạng bán tin quốc tế đã góp phần giúp các bên liên quan, quan tâm tới hoạt động của thị trường trái phiếu Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được bức trách tổng quan về tình hình hoạt động của thị trường, nhờ đó có những quyết sách, đánh giá sát và chân thực về hoạt động của thị trường trái phiếu Việt Nam.
Một thành công khác của phát triển thị trường TPCP chuyên biệt chính là hiệu quả mở rộng, tiếp cận và thu hút trực tiếp các đối tượng là những NĐT lớn và chính yếu tham gia thị trường, với 45 thành viên tham gia (trong đó có 25 CTCK, 16 ngân hàng thương mại và 4 ngân hàng thương mại nước ngoài), thay vì con số 30 thành viên từ ngày đầu mở cửa thị trường đã cho thấy tính đúng đắn của chính sách mở rộng, tiếp cận trực tiếp đối tượng NĐT lớn trên thị trường trái phiếu.
Ngoài ra, mức độ đại chúng hóa thị trường cũng cải thiện đáng kể, đặc biệt thể hiện ở khía cạnh thu hút NĐT nước ngoài quay lại đầu tư vào TPCP với tỷ lệ giao dịch của NĐT nước ngoài trong 1 năm vừa qua đã tăng đáng kể so với năm 2009. Số liệu thống kê cho thấy, giao dịch bán của NĐT nước ngoài chiếm khoảng 23,2%, mua chiếm khoảng 28,8% giao dịch toàn thị trường.
Điều này cũng thể hiện, không chỉ các NĐT nước ngoài (vốn là khách hàng lớn của thị trường trái phiếu trong nước), mà sự tham gia của các tổ chức trong nước cũng ngày một lớn hơn.
Tuy nhiên, qua một năm hoạt động, thị trường cũng dần nhận ra một số điểm chưa phù hợp như: kế hoạch phát hành đôi khi không phù hợp với quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường, mà chủ yếu theo nhu cầu huy động; thời gian đưa trái phiếu mới phát hành vào giao dịch còn dài; có quá nhiều mã trái phiếu (gần 500 mã); chưa có hệ thống nhà tạo lập thị trường… Điều này khiến cho hiệu quả của các đợt đấu thầu chưa đạt mức tối ưu, thanh khoản thị trường TPCP còn thấp.
Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực có thể đến vào đầu năm mới 2011. Sau khi lấy ý kiến đóng góp của các thành viên tham gia về kiến nghị cần thay đổi (ngày 29/10/2010), vào ngày 21/12/2010, 3 đơn vị có liên quan trực tiếp là Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã ký kết thỏa thuận về việc phối hợp thực hiện đấu thầu, niêm yết, đăng ký, lưu ký và thanh toán TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành.
Theo đó, Kho bạc nhà nước sẽ căn cứ trên chỉ tiêu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển được Bộ Tài chính giao để chủ động thông báo cho Sở GDCK Hà Nội kế hoạch phát hành hàng năm, hàng quý (bao gồm cả đấu thầu và bảo lãnh).
Kế hoạch huy động vốn theo năm được gửi trong vòng 20 ngày sau khi Bộ Tài chính có quyết định giao nhiệm vụ huy động vốn, kế hoạch huy động vốn theo quý gửi trong thời gian 10 ngày của tháng đầu quý. Điều này sẽ giúp các thành viên tham gia thị trường chủ động hơn trong cân đối tài chính và kế hoạch đầu tư, từ đó làm tăng khả năng thành công của các đợt đấu thầu.
Ngoài ra, thời gian đưa trái phiếu mới phát hành vào giao dịch cũng sẽ được rút ngắn từ mức 10 - 14 ngày làm việc kể từ ngày đấu thầu xuống còn 6 ngày làm việc, góp phần làm tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Phương án tái cấu trúc hàng hóa trên thị trường TPCP chuyên biệt cũng đã được các bên đặt làm một trong những mục tiêu quan trọng của năm 2011, với mục tiêu thu gọn số mã trái phiếu trên cơ sở tái cơ cấu các mã trái phiếu có cùng thời gian thanh toán, nhằm làm tăng thanh khoản của thị trường.
Việc lắng nghe ý kiến từ thành viên để có chủ trương thay đổi, kịp thời từ phía cơ quan quản lý và các bên có liên quan, thị trường TPCP đang dần thể hiện được vai trò và tầm vóc của mình trong nền kinh tế, cũng như vị thế trong khu vực. Một diện mạo mới đang được hình thành, hứa hẹn sự sôi động của thị trường này bắt đầu tư năm 2011.
ĐTCK