Bộ Công Thương và Hiệp hội bất đồng về giá đường
Đăng ngày: 14/05/2011Hiệp hội Mía đường cho rằng cần hạn chế nhập khẩu và đưa ra giá đường chuẩn đảm bảo lợi ích cho nông dân. Trong khi Bộ yêu cầu hiệp hội kiểm tra hệ thống phân phối tránh cơ chế ưu tiên nội bộ đẩy giá đường lên cao.
Tại buổi họp báo cung ứng đường và điều hành nhập khẩu đường ngày 13/5, Bộ Công Thương cho biết, hạn ngạch nhập khẩu năm nay là 250.000 tấn đường. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng và mở LC nhập khẩu 70.000 đường đến hết tháng 7.
Trong khi đó, lượng tồn kho đường tại các nhà máy tính đến 15/4 vào khoảng 525.000 tấn, cao hơn cùng kỳ 142.000 tấn. Nếu cộng cả sản lượng từ 15/4 đến cuối vụ khoảng 80.000 tấn và số nhập khẩu, thì tổng nguồn sản xuất trong nước sẽ lên tới 670.000 tấn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lượng đường đó đáp ứng như cầu sử dụng trong 5 tháng cao điểm.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường cho thấy lượng tồn kho năm nay sẽ vào khoảng 800.000 tấn. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hối Mía đường, cho rằng, lãi suất ngân hàng lên trên 20% nên các nhà thương mại không mặn mà. Lượng đường tồn kho lớn cộng lãi suất cao dẫn đến doanh nghiệp bị thiệt kép. Theo tính toán đến đầu tháng 10, lượng đường tồn kho sẽ tăng thêm 100.000 tấn. "Cộng thêm 120.000 tấn hạn ngạch nhập khẩu thì không hiểu giá đường trên thị trường sẽ ra sao", ông Long lo ngại.
Giá thành sản xuất của doanh nghiệp hiện nay khoảng 12.000 đồng - 15.000 đồng mỗi kg. Hiệp hội Mía đường cho rằng cần bán giá từ 18.000 đồng mỗi kg trở lên thì mới đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Do đó, ông Long kiến nghị, Bộ cần tính toán để đưa ra giá đường chuẩn đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Đồng thời, nhập khẩu đường cần hạn chế đến hết tháng 6.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối đường cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đổ lỗi cho việc nhập khẩu đường là nguyên nhân gây ứ đọng đường trong nước. Bởi trong 4 tháng đầu năm, tổng lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch hải quan là 53.250 tấn, chỉ bằng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Dù đã rất cố gắng, ngành mía đường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Vì vậy mức cân đối cho nhập khẩu 250.000 tấn năm 2011 là có cơ sở", ông Hòa cho hay.
![]() |
Giá bán đường tại các siêu thị lên tới trên 20.000 đồng. Ảnh: Hoàng Lan. |
Trước thắc mắc, giá đường tăng sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng đẩy giá thành lên cao, người tiêu dùng sẽ thiệt, ông Long lý giải, nếu giá bán thấp, người nông dân không trồng mía, ngành sản xuất đường sẽ chết. Nếu mỗi người tiêu dùng chịu thiệt mộ chút, mua đắt hơn khoảng 4.000 kg thì có thể thúc đẩy ngành này phát triển. "Với mức tiêu thụ đường bình quân 10 kg đường mỗi năm, nếu chịu thiệt 4.000 đồng một kg thì cả năm người tiêu dùng chỉ thiệt 40.000 đồng", ông Long cho hay.
Thực tế, giá đường nhà máy bán ra chỉ khoảng 18.000 đồng mỗi kg nhưng tại các siêu thị giá lên tới trên 20.000 đồng. Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng có sự bất cập trong việc phân phối từ nhà máy đường ra các công ty thương mại. Tính riêng từ tháng một đến tháng 4, giá bán buôn đường thế giới giảm tới 18% trong khi giá bán buôn đường trong nước chỉ giảm 5,2 - 9,2%, đường tinh luyện giảm 2,5%-6,7%.
"Cần xem lại hệ thống phân phối của ngành đường. Đối với các nhà sản xuất, Hiệp hội nên chỉ đạo thành viên nên có hợp đồng dài hạn, tránh tình trạng có bệnh mới chữa", ông An nhắc nhở.
Ông An dẫn câu chuyện của năm 2010 khi thị trường đường vào thời điểm nóng đến mức Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM phải gọi điện xin Bộ cấp tốc chuyển vào 10.000 tấn do người dân phải xếp hàng dài mà không mua được đường. Giá đường tăng từng ngày trong khi giá thế giới tăng không đáng kể. Khi đó các nhà máy đường chỉ bán cho hệ thống của họ, nhà máy báo giá từng ngày trong khi các doanh nghiệp cũng không thể mua được đường. Bộ Công Thương đã phải có công văn sang Hiệp hội Mía đường, sang Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị cung cấp trực tiếp đường cho các đại lý để bình ổn giá đường nhưng không hề có một phản hồi.
"Đây là câu trả lời cho giá đường bán lẻ chênh lệch quá cao với giá đường nhà máy. Như vậy, trong hoàn cảnh hiện nay phải xem xét lại, khi khỏe, các nhà máy đường có nhớ đến ai không? Hơn nữa vì sao từ sản xuất chỉ có 18.000 đồng nhưng ra đến đại lý lại lên tới 26.000 đồng mỗi kg ", ông An chất vấn.
Ông Long lý giải, giá công bố từ nhà máy là giá bán đường sỉ (theo bao 50kg), còn giá bán đường đến tay người tiêu dùng là giá bán lẻ, đã được đóng gói chia nhỏ theo loại, 500g - 1kg. "Tất cả ai mua đường chúng tôi đều bán, có giá cả rõ ràng”, phía Hiệp hội trả lời.
Trước ý kiến trái chiều, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, tới đây Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường sẽ ngồi lại để tiếp tục rà soát cung - cầu lượng đường cho đến mùa vụ sau. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công thương yêu cầu, các nhà máy đường đã được cấp phép nhập khẩu đường thô thì dừng nhập khẩu theo giấy phép. Doanh nghiệp thương mại giãn tiến độ nhập khẩu còn đơn vị sản xuất ưu tiên dùng đường trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Hoàng Lan
(Theo Vnexpress)