Bàn về những nội dung chủ yếu để hoàn thiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Đăng ngày: 3/2/12Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ được thực thi trong gần 10 năm qua và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Tập trung nguồn lực tài chính
Nghị định 78 của Chính phủ với mục tiêu đặt ra là: Tập trung nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ SXKD, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN, ổn định xã hội. Thực hiện mục tiêu này, gần 10 năm qua NHCSXH đã tập trung các nguồn lực tài chính của Nhà nước từ phân tán nhiều ngành, nhiều cấp về một đầu mối như vốn cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT, cho vay GQVL từ Kho bạc Nhà nước, vốn vay HSSV từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cho vay chương trình NS&VSMTNT, làm nhà vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở Tây Nguyên, đồng bào DTTS… từ đó, đã tăng tổng dư nợ cho vay hơn 7 nghìn tỷ đồng năm 2002 lên hơn 103 nghìn tỷ đồng năm 2011. Thực sự tín dụng ưu đãi là cứu cánh cho người nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn ban đầu khi chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, thực hiện các chính sách ASXH. Tuy nhiên, nhu cầu vốn cho công cuộc XĐGN và ASXH rất lớn, khả năng đáp ứng vốn từ Nhà nước chỉ giải quyết được một phần như: Cấp vốn điều lệ, huy động từ nguồn dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, vốn từ nguồn vượt thu, tiết kiệm chi của các địa phương và 2% tiền gửi từ các tổ chức tín dụng Nhà nước, nhưng vốn hoạt động của NHCSXH vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, mà luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”; mức vốn cho vay đối với từng đối tượng rất hạn chế so với yêu cầu, tình trạng “chia đều, sẻ mỏng” là một thực tế.
Giải pháp để khắc phục sự bất cập này, về nhận thức, việc thực hiện mục tiêu XĐGN không chỉ dựa vào Nhà nước, mà phải là trách nhiệm của cả cộng đồng. Một trong các điều kiện để phát triển kinh tế bền vững là chính trị - xã hội ổn định, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng góp sức không những là trách nhiệm mà là nghĩa vụ tạo lập nguồn vốn ổn định để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc tạo nguồn lực tài chính cho tín dụng chính sách, ngoài các cơ chế hiện có về phía Nhà nước như cấp vốn điều lệ, bố trí vốn cho các chương trình, cho vay từ tồn quỹ kho bạc, quỹ dự trữ Nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, thì nguồn lực tài chính trong các tổ chức và dân cư, trong nước và nước ngoài còn là một tiềm năng rất lớn. Vấn đề đặt ra là có một chính sách và cơ chế phù hợp để huy động, với phương châm: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm, cùng có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, đối với xã hội. Nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp và trong dân cư đó là: Các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính, các doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, có nghĩa vụ gửi tiền vào NHCSXH bằng các nguồn vốn hợp pháp của mình được quy định cho từng loại hình doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi về tài chính và hạch toán của doanh nghiệp. Việc gửi tiền của các doanh nghiệp được hưởng các quyền lợi về dịch vụ giá rẻ, lãi suất ở mức hợp lý theo từng thời điểm thích hợp. Ngoài việc huy động tiết kiệm từ người nghèo như đã làm, có thể từng bước mở thêm kênh huy động vốn cá nhân trong cộng đồng dân cư. Để làm được những việc trên đây hoạt động của NHCSXH cần phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng, tổ chức mạng lưới phục vụ thích hợp, đồng thời áp dụng hệ thống CNTT hiện đại, đi đôi với đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ đáp ứng với yêu cầu mới.
Đối tượng, lãi suất của cơ chế tín dụng ưu đãi
Về đối tượng và lãi suất là hai nội dung chủ yếu được quy định tại Nghị định 78, tuy nhiên khi thực hiện mỗi chương trình mục tiêu quốc gia có quy định riêng về đối tượng và lãi suất. Quy định về đối tượng của chính sách tín dụng ưu đãi và mức lãi suất áp dụng thống nhất bị loại bỏ trong thực tế và không thể trở thành cơ chế chung. Khi thảo luận đánh giá về vấn đề này, có ý kiến đặt ra nên thu hẹp đối tượng ưu đãi trong giới hạn khả năng nguồn vốn cho phép, theo đó chỉ quy định hai nhóm đối tượng là hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia, hộ đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn; về lãi suất chỉ quy định nguyên tắc không thấp hơn lãi suất bình quân các nguồn vốn cộng với phí hoạt động của NHCSXH. Việc quy định “cứng” về đối tượng và lãi suất trong cơ chế tín dụng ưu đãi tuy rất đơn giản, nhưng lại là vấn đề phức tạp, ngay với các chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN, ASXH hiện nay đã không thể điều chỉnh bằng quy định chung, đối tượng và lãi suất từng chương trình không thể áp dụng chung theo một cơ chế. Giải pháp cho cơ chế tín dụng ưu đãi về đối tượng và lãi suất chỉ có thể quy định theo cơ chế “mở” để phù hợp với các chương trình tín dụng ưu đãi đã có và cho các chương trình phát sinh trong thời gian tới, đó là: Chuyển từ đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, thành đối tượng phục vụ của NHCSXH nhằm hỗ trợ tín dụng cho XĐGN và ASXH được quy định trong các văn bản của Nhà nước và trong văn bản của các tổ chức và cá nhân ủy thác vốn cho NHCSXH. Đối với lãi suất ưu đãi cũng nên quy định theo hướng “mở” mới phù hợp với từng loại chương trình tín dụng ưu đãi từng thời kỳ theo từng quyết định của Nhà nước hoặc của bên ủy thác. Tuy nhiên có thể phân loại lãi suất theo nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi như hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng khó khăn, hộ SXKD… khắc phục tình trạng một đối tượng được thụ hưởng nhiều mức lãi suất ưu đãi, đồng thời việc ưu đãi lãi suất sẽ giảm dần và được thay thế bằng các cơ chế ưu đãi khác.
Quản trị và điều hành hoạt động của NHCSXH
Gần 10 năm xây dựng và hoạt động NHCSXH đã từng bước khẳng định mô hình quản trị và điều hành mang tính đột phá chưa có tiền lệ, nhưng rất hiệu quả, đó là: HĐQT và Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện là lãnh đạo các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể cùng tham gia, không những huy động được sức mạnh tổng hợp mà còn bảo đảm gắn chính sách tín dụng ưu đãi với thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương, nhờ đó vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn có hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về XĐGN, ASXH. HĐQT, Ban đại diện HĐQT vừa là tổ chức lãnh đạo quản lý, vừa là đại diện chủ sở hữu của ngân hàng. Tuy nhiên về vai trò, chức năng nhiệm vụ của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là vai trò kiểm tra giám sát phải được làm rõ hơn. Trong thực tế công việc, vai trò UBND cấp xã là nơi trực tiếp quản lý, phê duyệt đối tượng được vay vốn, trực tiếp chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giám sát kiểm tra các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ TK&VV thực hiện nghiêm túc nội dung hoạt động nhận ủy thác đã cam kết. Do đó, vai trò của chính quyền cấp xã trong việc thực hiện dân chủ công bằng và công khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã là rất quan trọng, cần phải gắn hoạt động của Ban đại diện HĐQT cấp huyện với hoạt động của Ban XĐGN cấp xã, cần thiết bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện. Với mô hình này vai trò của Ban đại diện HĐQT cấp huyện sẽ là cơ quan quản trị có hiệu lực trên từng địa bàn xã và thực hiện được phương châm xóa nghèo bền vững.
Bộ máy điều hành của NHCSXH đã hình thành ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh và huyện để điều phối thực hiện chính sách và kế hoạch thống nhất trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng trong các vùng miền theo một cơ chế thống nhất, để làm được việc này, tổ chức điều hành đã triển khai một số giải pháp có tính chiến lược không những khắc phục được khó khăn về màng lưới, địa bàn, khách hàng nhỏ lẻ phân tán như: Ủy thác từng phần qua các tổ chức hội, đoàn thể; thành lập và vận hành màng lưới Tổ TK&VV tại các thôn, bản; tổ chức việc giao dịch theo lịch cố định tại các xã, phường; trang bị đồng bộ, cơ động hệ thống máy tính, phương tiện vận chuyển đáp ứng màng lưới giao dịch tại xã với hệ thống tập trung dữ liệu giao dịch tại trung tâm.
Những giải pháp về điều hành đã thực thi cần được hoàn thiện đó là: Củng cố và chấn chỉnh hoạt động của Tổ TK&VV trên cơ sở phù hợp với từng địa bàn, từng vùng miền; gắn Tổ TK&VV với các tổ chức nhận ủy thác ở cơ sở. Ngoài 3 nội dung chủ yếu trên, một số nội dung khác cũng cần được hoàn thiện khi điều kiện cho phép như: Cơ chế tài chính về thu nhập và chi phí cho hoạt động của NHCSXH theo hướng chuyển dần từ chế độ cấp bù lãi suất và chi phí quản lý sang chế độ tự bù đắp chi phí bao gồm cả trích quỹ bù đắp rủi ro, bổ sung vốn điều lệ, trên cơ sở từ nguồn thu về lãi suất cho vay và thu dịch vụ. Từng bước tạo điều kiện cho hoạt động tài chính của NHCSXH vươn lên tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hoàn thiện chế độ khoán tài chính cho các chi nhánh và Phòng giao dịch để tăng thêm khả năng sáng tạo và hăng hái làm việc của cán bộ trong toàn hệ thống, bảo đảm tiền lương, tiền thưởng của cán bộ tương xứng với hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc của từng đơn vị, đồng thời có trách nhiệm điều hòa thu nhập - chi phí cho những đơn vị hoạt động trong điều kiện còn khó khăn; gấp rút hình thành chế độ trích lập quỹ rủi ro trong toàn hệ thống trên cơ sở khả năng tài chính và rủi ro do chủ quan của hoạt động cho vay và theo quyết định của Chính phủ về chính sách xử lý rủi ro đối với thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai; tổ chức lại hệ thống kiểm tra giám sát nội bộ, phù hợp với yêu cầu vừa tăng năng lực của công tác kiểm tra giám sát và phát huy tính độc lập trong việc phát hiện và xử lý những việc xảy ra một cách kịp thời, khách quan, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp hoạt động của kiểm tra giám sát nội bộ với kiểm tra giám sát của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp, với thanh tra ngành và kiểm toán để công tác kiểm tra giám sát hoạt động của NHCSXH đi vào quy củ, minh bạch và kịp thời; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản trị và điều hành, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống Phòng giao dịch cấp huyện phù hợp với địa bàn và trách nhiệm hoạt động kinh tế của một đơn vị ngân hàng cơ sở để tiến tới mở rộng các hoạt động dịch vụ trên địa bàn. Về phương thức cho vay, có thể và cần phải chuyển dần từng bước từ cho vay theo hộ gia đình sang cho vay theo nhóm hộ cùng một mục đích sử dụng vốn vay để tạo dần tập quán liên kết kinh tế hộ thành những đơn vị sản xuất trên cùng một địa bàn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật và tiếp thu các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, gắn tín dụng ưu đãi với KHKT và tạo dần thị trường nông sản phát triển ở các vùng khó khăn, phù hợp với xu thế của quá trình phát triển kinh tế công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Đó là những thay đổi phù hợp với xu hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một tổ chức tín dụng, cần được tiếp tục bàn thảo.
Hoàng Nghĩa Tứ