Ấm lòng người Chiềng Sơn
Đăng ngày: 7/2/12Đồng vốn của NHCSXH Việt Nam (VBSP) đã và đang phát huy hiệu quả góp phần không nhỏ giúp đồng bào Thái, Mường xây dựng cuộc sống; bản làng thêm đẹp bởi những mầu sắc của cây trồng, vật nuôi...

Theo bà Trịnh Thị Lịch - Giám đốc VBSP huyện Mộc Châu, nhờ thiên nhiên ban tặng điều kiện thuận lợi nên kinh tế - xã hội ở Mộc Châu cũng phát triển khá hơn so với các huyện khác trong tỉnh. Đặc biệt, người dân trong huyện đã biết phát huy một số loại cây trồng được xem là thế mạnh như chè, rau, hoa. Ngoài ra, sự miệt mài trong lao động, sản xuất của đồng bào người Thái, Mường và người Kinh ở dưới xuôi lên xây dựng kinh tế đã tạo nên một Mộc Châu "thay da đổi thịt" từng ngày.
Sau vài lời giới thiệu về Mộc Châu và một số mô hình cho vay của VBSP, Giám đốc Lịch (quê gốc Thái Bình) đã đích thân lên đường đưa chúng tôi đến xã Chiềng Sơn - một xã biên giới giáp nước bạn Lào. Đúng là "trăm nghe không bằng mắt thấy", trải qua những cánh đồng rau xanh mướt, rồi qua những bãi ngô đang mùa thu hoạch, Chiềng Sơn cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Chiềng Sơn có đường biên giới dài 8km, có 2.562 hộ, trong đó còn khoảng hơn 400 hộ nghèo và gần 200 hộ cận nghèo. Ông Dương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn cho biết, để giảm được tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo xuống mức trên là cả sự nỗ lực của người dân, chính quyền xã Chiếng Sơn. Con đường thoát nghèo của người dân Chiềng Sơn luôn có sự hỗ trợ của nguồn vốn VBSP.
Dư nợ cho vay của VBSP tại Chiềng Sơn hiện đạt gần 13 tỷ đồng với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ gia đình SXKDVKK, NS&VSMTNT... Thể hiện rõ nhất là thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng khá nhanh. Nhiều bản làng như: Lòng Hồ, Lắc Phương, Pó Ban, Nậm Dện... thay đổi từng ngày, xuất hiện những gương điển hình về sử dụng đồng vốn ưu đãi của Chính phủ.
Về bản Lòng Hồ, người đầu tiên chúng tôi được gặp là Trưởng bản Lường Văn Tôn (dân tộc Mường). Ông Tôn cho biết, bản Lòng Hồ chủ yếu là người Mường từ huyện Yên Thủy (Hòa Bình) chuyển về đây khi Nhà nước di dân lấy đất xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình. Những kỷ niệm của người dân bản Lòng Hồ với nguồn vốn ngân hàng được ông kể vanh vách.
Trước khi chuyển đến xã Chiềng Sơn, Mộc Châu, hơn 40 hộ dân ở bản Lòng Hồ còn món nợ 1 - 3 triệu đồng/hộ của NHNo&PTNT (Agribank) Hòa Bình cho vay mua giống cây trồng, phân bón. "Nhiều người có suy nghĩ, đấy là vốn của Nhà nước nên đã chuyển đi nơi khác thì không cần trả cũng được" - ông Tôn kể lại. Thế nhưng chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động người dân trả món vay cũ của Agribank. Và Trưởng bản Lường Văn Tôn đã là người đầu tiên gương mẫu trả món nợ vay của Agribank, rồi vận động bà con trong bản trả nợ. Ngay sau khi người dân trả nợ cho Agribank, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp các hộ nghèo tiếp cận ngay với nguồn vốn của VBSP... Hiện 29/40 hộ của bản Lòng Hồ đã được vay vốn của VBSP với tổng dư nợ 620 triệu đồng. Đồng vốn của VBSP đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân bản lòng Hồ khi lập nghiệp ở mảnh đất mới - Chiềng Sơn...
Đang vào vụ thu hoạch nên nhà nào trong bản cũng thấy ngô chất đầy sân. Cùng với ngô - cây trồng chính của người Chiềng Sơn, nhiều hộ cùng mở mang trồng chè Shan Tuyết. Đứng cạnh đống ngô mới thu hoạch, ông Lường Văn Tôn chia sẻ, giống ngô mà người bản Lòng Hồ hay chọn là giống ngô lai đơn NK 66 và NK 54, cho năng suất khoảng hơn 8 tấn bắp/ha. Năm 2011, thu nhập từ trồng ngô của gia đình ông Tôn khoảng 35 triệu đồng, cộng thu nhập từ 3 nghìn ha chè cũng đạt 7 - 8 triệu đồng tiền lãi/năm. "Khởi sự" cho nguồn thu nhập ổn định như trên của gia đình ông chính là từ năm 2008, khi anh được vay 20 triệu đồng của VBSP.
Ngoài gia đình ông Lường Văn Tôn, gia đình anh Vi Văn Thi cũng là điển hình SXKD ở bản Lòng Hồ. Cũng từ nguồn vốn 15 triệu đồng của VBSP cho vay hộ nghèo hồi năm 2008, đến nay gia đình anh Thi đã có 2ha chè. Ngoài ra, anh Thi còn có ao cá và cấy lúa... Nguồn thu từ tăng gia sản xuất đã giúp gia đình anh Thi trả nợ cũ năm 2010 và vay VBSP 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ gia đình SXKDVKK để mở rộng sản xuất.
Ông Dương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn cho biết, nhờ có nguồn vốn của VBSP nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thuê đất, mua giống phát triển sản xuất nên đời sống người dân trong xã đã "khấm khá" lên nhiều. "Lần tới đến, chắc chắn các anh sẽ thấy bộ mặt nông thôn mới ở Chiềng Sơn phát triển hơn nhiều", ông Tuấn hồ hởi nói.
Chí Kiên