5 năm chương trình tín dụng HSSV ở Bến Tre: ĐỒNG VỐN NHỎ MỞ RA TƯƠNG LAI
Đăng ngày: 20/11/125 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV, đến nay đã có 20.622 gia đình HSSV ở Bến Tre được vay vốn, giúp cho trên 23.406 HSSV được đến trường học tập, đạt doanh số cho vay hơn 376,7 tỷ đồng, thể hiện tốt chủ trương của Chính phủ là không để một HSSV nào phải bỏ học vì lý do khó khăn tài chính.
Đồng thuận cao, hiệu quả rõ ràng
Chương trình tín dụng đối với HSSV khi triển khai và thực hiện ở Bến Tre đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng được xu hướng xã hội hóa giáo dục và nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, ấp quán triệt chủ trương, đối tượng và quy định cho vay, đã thực hiện bình xét cho vay công khai, dân chủ. Các hộ gia đình HSSV có nhu cầu vay và đủ điều kiện vay đều đã được xem xét giải quyết. Nhờ đó, vốn của Chính phủ được cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.
Hàng năm, Sở LĐTB&XH hướng dẫn UBND cấp huyện và xã rà soát, thống kê từ cơ sở hộ gia đình HSSV đủ điều kiện vay, tổng hợp danh sách, số liệu báo cáo về Sở, làm cơ sở để tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ chi tiêu nguồn vốn. Sở GD&ĐT nhanh chóng cung cấp thông tin về tín dụng HSSV đến các trường, cơ sở đào tạo, kể cả trường THCS, THPT để truyền đạt đến HSSV và đăng tải toàn bộ nội dung về quy trình, thủ tục cho vay, cũng như các văn bản có liên quan lên Website của Sở. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đã được phản ánh kịp thời và tìm biện pháp tháo gỡ.
NHCSXH đã thường xuyên tập huấn và tận tình giải đáp các thắc mắc về chương trình tín dụng ưu đãi, công khai đối tượng, thủ tục vay tại nơi giao dịch, hướng dẫn cách ghi chép hồ sơ vay cho Tổ TK&VV và gia đình HSSV, đồng thời giải thích cho người dân hiểu đối tượng vay là HSSV mồ côi, hộ nghèo, hộ có thu nhập bằng 150% hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tài chính tạm thời, không phải dành cho tất cả hộ gia đình HSSV, từ đó tạo ra sự đồng cảm cho người dân trong xã hội.
Còn đó những trăn trở
Qua 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV ở Bến Tre, số HSSV đang vay vốn chiếm gần 80% số HSSV đang theo học. Tín dụng HSSV đã làm giảm nhẹ gánh nặng nợ nần cho trên 20.622 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo cơ hội học tập cho trên 23.406 HSSV. Số gia đình tiếp tục cho con em học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề tăng lên. Đây cũng là cơ hội giúp họ thoát khỏi ngưỡng cửa nghèo đói một cách bền vững.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng để lại cho các cấp, ngành hữu trách ở tỉnh nỗi niềm trăn trở. Nguồn vốn tín dụng của chương trình phụ thuộc vào sự giao chỉ tiêu hàng năm của Hội sở chính. Đôi khi Hội sở chính gặp khó khăn trong công tác huy động vốn trên thị trường đã không đảm bảo cung cấp vốn kịp thời cho chi nhánh, HSSV phải chờ đợi trong một thời gian để nhận vốn vay, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của con em các gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, gây ra tâm lý không tốt trong dư luận. Mặt khác, thời điểm giải ngân thường tập trung cao vào đầu mỗi học kỳ, hồ sơ phát sinh nhiều nên tiến độ giải ngân chưa kịp thời.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre chia sẻ trên thực tế, việc quy định HSSV viết giấy cam kết trả nợ, qua kiểm tra cho thấy một số trường chưa quan tâm thực hiện, có trường không yêu cầu HSSV viết giấy cam kết trả nợ. Nhà trường cho rằng việc làm đó chỉ mang tính hình thức, vì sau khi viết giấy cam kết trả nợ, nhà trường sẽ làm các thủ tục để HSSV đó ra trường, sau đó HSSV không còn bất cứ sự ràng buộc nào đối với nhà trường để bảo đảm cho việc thực hiện cam kết đó. Do vậy, cần có một giải pháp khác mang tính thiết thực, khả thi hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, Bùi Văn Trung bày tỏ, để chương trình có tác động sâu sắc và lan tỏa hơn, đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu chính sách cho vay đối với gia đình có từ hai con trở lên không thuộc đối tượng vay vốn theo quyết định 157/2007/QĐ-TTg, tạo điều kiện cho HSSV đều có điều kiện và bớt khó khăn trong học tập; đồng thời, nâng mức cho vay cho phù hợp với mức tăng chỉ số giá cả hàng năm. "Thiết nghĩ, cần mở rộng đối tượng cho vay đối với những hộ gia đình HSSV gặp khó khăn do giá cả nông sản giảm, nhất là giá dừa" - ông Trung nói.
Hoàng Thủy