3 ngã rẽ mới của kinh tế thế giới năm 2011
Đăng ngày: 10/12/2010Kinh tế Mỹ, eurozone và nhóm nước mới nổi đi theo những hướng khác nhau. Sự phân chia rõ ràng thành 3 khu vực lớn sẽ khiến năm 2011 đầy những cú sốc tệ hại.
Năm 2010, kinh tế thế giới tốt lên bất ngờ. Sản lượng của kinh tế toàn cầu tăng gần 5%, cao hơn mức xu thế và mạnh hơn nhiều so với dự báo đưa ra cách đây 12 tháng. Phần lớn những dự báo đáng sợ gây chấn động thị trường tài chính trong năm 2010 đã không trở thành hiện thực.
Kinh tế Trung Quốc “hạ cánh an toàn”. Sự chững lại của kinh tế Mỹ thời điểm giữa năm không dẫn đến suy thoái kép. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã trở nên quá rõ ràng.
Dù vậy, nếu tính cả khu vực đồng tiền chung châu Âu, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức khiêm tốn nhờ kinh tế Đức, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và giàu có nhất châu Âu, lên mạnh.
Thị trường hướng tới năm 2011 và đặt câu hỏi: Liệu câu chuyện năm 2010 có tái diễn? Phần lớn người ta tin như vậy. Niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên tại khắp các khu vực trên thế giới, sản xuất thế giới tăng trưởng mạnh, thị trường tài chính ở gần như tất cả các khu vực đều hào hứng.
Từ đầu tháng 7/2010 đến nay, chỉ số MSCI của TTCK toàn cầu đã tăng hơn 20%, nhà đầu tư hiện nay thờ ơ với tin xấu hơn thời điểm đầu năm nay, nhất là khi lợi suất trái phiếu chính phủ của một số nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng vọt cho đến thông tin về lạm phát tăng nhanh tại Trung Quốc.
Đầu năm nay, nhà đầu tư quá bi quan. Nay niềm tin mong manh của họ dường như đã đặt nhầm chỗ. Sự thay đổi trong nội tại kinh tế thế giới năm 2011 sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra tại 3 khu vực lớn của thế giới: nhóm thị trường mới nổi, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ (Kinh tế Nhật vẫn duy trì quy mô lớn nhưng sẽ không tạo ra nhiều ngạc nhiên).
Nền kinh tế của 3 khu vực trên đang đi theo những hướng khác biệt, triển vọng tăng trưởng và lựa chọn chính sách vì thế cũng không thể giống nhau.
Sự phân kỳ không tránh khỏi, ngay cả đối với một quan sát viên bình thường, kinh tế Ấn Độ khác rất nhiều so với kinh tế Mỹ. Thế nhưng khi yếu tố chia tách mới nhiều lên, đặc biệt trong nhóm nước giàu, khả năng xung đột vì vậy cũng sẽ tăng.
Nhóm thị trường mới nổi đi lên mạnh mẽ
Khởi đầu với nhóm thị trường mới nổi, từ đầu năm 2010 đến nay đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Từ Thâm Quyến cho đến Sao Paolo, nhóm nền kinh tế này không ngừng tăng trưởng tốt. Năng lực sản xuất không còn thừa thãi. Bất cứ khi nào có thể, dòng vốn ngoại lập tức đổ vào.
Những nỗi lo riêng lẻ về bong bong tài sản đã được thay thế bởi nỗi lo tăng trưởng quá nóng. Các cửa hàng tại Braxin đông nghịt người, lam phát tăng vượt mức 5% và nhập khẩu trong tháng 11/2010 tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng tiền giá rẻ nằm ở trung tâm của mọi vấn đề. Dù thời kỳ kinh tế suy giảm năm 2009 đã trở thành ký ức xa xôi, điều kiện thị trường tiền tệ tại nhiều nơi vẫn còn rất lỏng lẻo nhờ nỗ lực hạ giá đồng tiền của chính phủ nhiều nước (Trung Quốc đi đầu trên phương diện này). Sự kết hợp trên không thể kéo dài mãi.
Để ngăn giá hàng hóa tăng nóng, chính phủ nhóm nền kinh tế mới nổi cần thắt chặt chính sách trong năm sau. Nếu thắt chặt chính sách quá mức, tăng trưởng của nhóm nền kinh tế này có thể đi xuống mạnh.
Nếu không thắt chặt chính sách đủ mạnh, lạm phát sẽ tăng cao và cuối cùng vẫn phải siết chính sách vào sau đó. Dù theo hướng nào đi nữa, khả năng một cú sốc kinh tế vĩ mô tại nhóm nền kinh tế mới nổi tăng cao.
Yếu tố căng thẳng tiếp theo đến từ khu vực đồng tiền chung châu Âu, cả trong lĩnh vực tài chính cũng như kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, kinh tế khu vực này chắc chắn tăng trưởng chậm bởi các chính phủ giảm mạnh chi tiêu.
Tại một số nước chủ chốt, đặc biệt Đức, việc điều chỉnh chính sách tài khóa diễn ra hoàn toàn tự nguyện. Nhóm nền kinh tế thuộc châu Âu đang khốn khổ như Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có rất ít lựa chọn, tương lai kinh tế u ám.
Trong một liên minh tiền tệ, các nước khó có thể cải thiện khả năng cạnh tranh nhanh chóng thông qua hạ lương và giá cả. Tồi tệ hơn, hậu quả tài chính của sự chuyển hướng sang một thế giới mà một nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ có thể phá sản đang trở nên rõ ràng hơn.
Các chính phủ thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu không chỉ nợ nần quá nhiều, thế nhưng mô hình của toàn bộ hệ thống ngân hàng châu Âu, vốn dựa trên sự tích hợp giữa nhiều nước, cũng cần phải điều chỉnh.
Những khó khăn trên sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách tốn kém khá nhiều tiền. Lãnh đạo các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu hết sức cứng đầu. Khả năng châu Âu đương đầu với rắc rối lớn hơn trong năm 2011 hoàn toàn có thể xảy ra.
Hướng đi của kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ cũng sẽ chuyển hướng. Không giống châu Âu, chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ chuyển hẳn khỏi định hướng thắt chặt. Thỏa thuận về cắt giảm thuế mà Tổng thống Obama và Đảng Cộng hòa đạt được ngày 07/12 tốt hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia.
Chương trình giảm thuế từ thời kỳ cựu Tổng thống Bush không chỉ được kéo dài thêm 2 năm mà còn bao gồm chương trình hỗ trợ mạnh cho năm 2011. Khi điều này kết hợp với chương trình mua trái phiếu của FED, nước Mỹ đang liên tục đưa ra liều thuốc kích cầu còn châu Âu trong khi đó lại tính thoái lui.
Sản lượng kinh tế Mỹ năm 2011 sẽ có thể tăng trưởng 4%. Mức tăng trưởng này trên xu thế và cần thiết để giảm tỷ lệ thất nghiệp, dù không phải ngay lập tức. Giới chính trị gia Mỹ đang mạo hiểm. Dù thực tế thâm hụt ngân sách dài hạn của Mỹ khá lớn, Tổng thống Obama và nghị sỹ Đảng Cộng hòa thậm chí không cần đạt được thỏa thuận nào trong trung hạn về tình hình tài khóa.
Những đề xuất giảm thâm hụt ngân sách dường như chẳng nhận được sự ủng hộ nào. Các trái chủ, những người cho đến nay vốn rất bao dung đối với nước sở hữu đồng tiền chủ chốt của thế giới, đã “chào mừng” thỏa thuận về thuế bằng cách bán mạnh trái phiếu Bộ Tài chính.
Nhà đầu tư, không còn nghi ngờ gì nữa, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ lên mạnh nhưng ngày một lo lắng nhiều hơn về thâm hụt tài khóa. Nếu những lo lắng này không giảm bớt, thị trường trái phiếu Mỹ có thể chấn động mạnh trong năm 2011.
Vậy việc các nền kinh tế đi theo nhiều hướng khác nhau có ý nghĩa ra sao? Mỗi hướng đi tiềm ẩn rủi ro riêng. Chính sách nới lỏng tiền tệ tại Mỹ và lo lắng xung quanh vấn đề nợ nần tại châu Âu sẽ khiến dòng vốn tìm đến nhóm nước mới nổi nhiều hơn, Ngân hàng Trung ương nhiều nước tại châu Âu ngại ngần nâng lãi suất cơ bản và lạm phát chịu ảnh hưởng tiêu cực.
5 năm tới, nhóm nền kinh tế mới nổi dự kiến đóng góp 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng chỉ 13% tăng trưởng nợ công.
Thay cho việc cân bằng hơn, kinh tế thế giới trong trung hạn sẽ giằng co giữa nhóm nước phương Tây nợ nần chồng nhất và nhóm nước phương Đông giàu có.
Kinh tế nhóm nước phương Tây sẽ tránh được khủng hoảng bởi châu Âu và Mỹ phần nào hợp tác và chia sẻ quan điểm về kinh tế. Hiện nay cả hai đang đương đầu với vấn đề nội tại và áp dụng chiến lược khác nhau để giải quyết vấn đề. Sự hợp tác quốc tế không nhận được yếu tố hỗ trợ tích cực.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu sẽ khó tập trung vào xây dựng hệ thống thương mại khi một nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu bên bờ vực vỡ nợ. Điều này tác động xấu đến thị trường tài chính bởi kể cả chiến lược của châu Âu hay Mỹ liên quan đến thâm hụt ngân sách có thể được duy trì mãi.
Hiện nay, sau khi đã tiêu tiền mạnh tay, Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ sẽ hướng đến kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn. Lãnh đạo các nền kinh tế châu Âu có thể đưa ra thỏa thuận giúp đồng tiền chung châu Âu và hệ thống ngân hàng châu lục lên một cái nền vững chắc hơn. Thế nhưng đừng quá kỳ vọng vào đó. Kinh tế thế giới với sự phân chia rõ ràng thành 3 khu vực lớn sẽ khiến năm 2011 đầy những cú sốc tệ hại.
Theo Economist